Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung

Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản...

Các lực lượng hỗ trợ người dân Vinh Hiền ( huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng do gió lốc. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 298/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung. Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.

Công điện nêu rõ những ngày qua tại khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi tới trên 750 mm.

Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là tại các tỉnh: Bình Định và Phú Yên.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân. Tổng hợp thiệt hại, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Mưa lớn ở Quảng Trị khiến hơn 800 ngôi nhà và 8.400 ha lúa bị ngập

Từ ngày 1-2.4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 400mm như: Hải Lâm, huyện Hải Lăng: 457mm; Hải Sơn, huyện Hải Lăng: 413mm; Tà Long, huyện Đakrông: 430mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt, chia cắt tại một số tuyến cầu tràn trên địa bàn khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông như Ba Lòng, Tà Lao, Tà Rụt, Ly Tôn.

Đến chiều 2.4, mưa lớn đã khiến 808 hộ dân bị ngập nước từ 0,1 - 0,3m, tập trung ở các xã Hải Lâm, Hải Thượng, huyện Hải Lăng; trên 8.400 ha lúa Đông Xuân và hơn 2.640 ha cây trồng khác bị ngập úng đổ ngã, tập trung ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh. Ngoài ra còn có trên 180 ha ao, hồ nuôi thủy sản bị thiệt hại.

Hiện nay tất cả 2.489 tàu thuyền với 7.056 thuyền viên ở tỉnh Quảng Trị đã vào neo đậu tại các bến. Tổng dung tích các hồ chứa đạt trung bình khoảng 91,8% so với dung tích thiết kế.

Quảng Ngãi kêu gọi 687 tàu vào nơi trú tránh an toàn do thời tiết xấu

Ngày 2.4, Theo Báo cáo nhanh số 02 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 8 giờ ngày 2.4 vẫn còn 687 tàu cá với 6.773 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.

Hiện các cơ quan chức năng đã kịp thời thông tin về diễn biến không khí lạnh gây gió mạnh trên các vùng biển cũng như cập nhật thông tin thời tiết xấu trong thời gian tới cho tất cả 687 tàu trên.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 9h ngày 2.4, do mưa lớn và gió mạnh toàn tỉnh đã có 3.427,2 ha lúa bị ngập; 1.701,64ha lúa bị ngã đổ chủ yếu tập trung ở các huyện Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi...

Mưa lớn cũng làm hơn 396ha cây trồng hàng năm (ngô, mỳ) bị ngập; 1.341ha cây rau màu, hoa màu (lạc, ớt, dưa hấu, rau màu các loại) bị ngập. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin về thiệt hại.

Thừa Thiên-Huế: gần 16.000ha lúa và hoa màu vụ Đông Xuân bị ngập úng

Từ ngày 31.3 đến 2.4, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra đợt mưa lũ lớn trái mùa, gây ra nhiều thiệt hại; ở một số nơi có tổng lượng mưa cao như ở huyện Nam Đông là 770mm.

Mưa lũ đã làm gần 16.000ha lúa và hoa màu vụ Đông Xuân bị ngập úng, đổ ngã; 7 chiếc ghe, thuyền bị chìm; 5 người bị thương; tốc mái 33 nhà dân; nhiều tuyến đê nội đồng bị vỡ, bị tràn. Mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ tại nhiều xã ở vùng trũng, ven sông, làm sạt lở ở một số tuyến đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn...

Trục vớt ghe thuyền của ngư dân Bình Định bị chìm do mưa lớn và lốc

Ngày 2.4, Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn cùng các lực lượng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự, Công an, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, lực lượng dân quân, thanh niên đã tổ chức triển khai lực lượng, thiết bị trục vớt ghe thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn lên bờ.

Đến sáng 2.4, vẫn còn 27 phương tiện ghe, thuyền của ngư dân còn chìm dưới đáy biển Nhơn Lý. Các lực lượng đã huy động những thợ lặn giỏi để lặn buộc các phương tiện chìm, dùng 2 tàu hành nghề giã cào có thiết bị tời để kéo phương tiện bị chìm vào gần bờ. Sau đó, dùng lực lượng con người và máy đào để kéo phương tiện ghe, thuyền lên bờ.

Trước đó, vào sáng 31.3, hiện tượng thời tiết bất ngờ, mưa to kèm theo dông, lốc gây ra nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh Bình Định. Trong đó, xã biển Nhơn Lý thuộc thành phố Quy Nhơn là nơi chịu thiệt hại nặng nhất khi có tới 55 ghe thuyền bị sóng đánh chìm, vỡ nát; ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 3,2 tỷ đồng.

Theo TTXVN/Vietnam+

T.H

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thu-tuong-chi-dao-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-bat-thuong-tai-khu-vuc-mien-trung-34365.html