Thủ tướng cho phép lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Không để ảnh hưởng xấu đến khu rừng ngập mặn

Ngày 12.6, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha thành 2.780 ha. Theo đó, dự án phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn...

Tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Cụ thể, điều chỉnh tên dự án từ “hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.

Điều chỉnh quy mô dự án từ 600 ha thành 2.780 ha, với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…

Tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

Thời hạn thực hiện dự án 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, và 50 năm kể từ ngày 11.7.2007 cho phần diện tích biển 600ha đã giao cho nhà đầu tư.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tiến độ thực hiện 11 năm kể từ ngày có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha; nằm trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM; khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi là 8,6 km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trự sinh quyển Cần Giờ. Ảnh: Lê Quân

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha; nằm trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM; khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi là 8,6 km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trự sinh quyển Cần Giờ. Ảnh: Lê Quân

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh; quy hoạch giao thông; thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định pháp luật;

Đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên, sau khi dự án hoàn thành không tạo xói mòn cho khu vực khác và việc thoát nước của TP.HCM; đánh giá kỹ tác động việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn;

Tuân thủ các quy hoạch liên quan, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án, đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cần Giờ, của TP.HCM về phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, góp phần cản thiện, nâng cao đời sống nhân dân khu vực.

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc quy hoạch mở rộng dự án, việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định, bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị liên quan đến dự án.

Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc ký quỹ theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật liên quan; bảo vệ môi trường, cảnh quan, sinh thái, đất đai, giữ gìn an ninh, trật tự và chịu trách nhiệm về nhà đầu tư đã lựa chọn thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả theo các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan; kiểm tra, giám sát việc huy động vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo tiến độ mà nhà đầu tư đã đăng ký.

Phối hợp với Bộ tài nguyên và Môi trường chỉ đạo và kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện các nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý môi trường trong quá trình thực hiện dự án và đánh giá các tác động môi trường theo các giai đoạn đầu tư dự án bảo đảm phát triển bền vững thành phố;…

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác của hồ sơ, thông tin, số liệu và các thủ tục bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Như Người Đô Thị từng phản ánh trong bài viết: “Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt”, dự án lấn biển Cần Giờ 2.870 ha đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên môn do lo ngại những nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

GS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng viện Quản lý khoa học công nghệ và quản lý môi trường lo ngại, từ xưa đến nay độ mặn của khu vực rừng ngập mặn đã ổn định, việc xây bờ kè trong dự án dẫn luồng chảy sông ra xa thì độ mặn hoàn toàn có thể sẽ giảm xuống; và chỉ cần có sự thay đổi ở mức 2% độ mặn là rừng ngập mặn sẽ chết.

TS. Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái miền Nam cho rằng, chủ đầu tư đã chưa đánh giá được hết tác động của dự án tới Khu dự trự sinh quyển Cần Giờ, đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy khu vực xung quanh dự án, cũng như chưa hề tìm được những giải pháp giảm thiểu thích đáng. Về mặt chuyên môn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà đánh giá tác động môi trường cần phải thực hiện được.

Kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP.HCM nhận định: vùng lấn biển và các cửa sông khác trong vùng hiện nay là vùng bồi lấp, nên khi lấn biển xây khu đô thị chắn ngang sẽ gây hiện tượng đưa phù sa tới các cửa sông/biển khác, khiến các cửa sông/biển này bị bồi lắng, nhất là sông Soài Rạp – Thị Vải, nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông sông vận tải phía Nam là rất lớn.

Văn bản Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ vào tháng 6.2018 ý kiến: “hệ sinh thái sinh ngập mặn Cần Giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường nguồn nước của hệ thống sông rạch kết nối Biển Đông. Tuy khu vực dự án không nằm trong ranh giới Rừng phòng hộ Cần Giờ, nhưng việc ô nhiễm môi trường (đặc biệt là nguồn nước) phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các hệ động – thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ vốn có tính nhạy cảm rất cao với các tác nhân thay đổi môi trường”.

Lê Nguyễn

Theo văn bản số 1049/UBND-DA ngày 23.3.2019 của UBND TP.HCM: Khu vực lấn biển Cần Giờ 2.870 ha theo đề xuất của nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ, không có người dân sinh sống nhưng có các cơ sở kinh tế của người dân cần phải hỗ trợ, giải tỏa. Số người dân bị ảnh hưởng trực tiếp dự kiến khoảng 767 hộ (1.696 nhân khẩu) đang sản xuất nghêu, đánh bắt bộ (bắt ốc, kéo lưới tay...)

Ngày 7.9.2018, Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ nộp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”, với quy mô từ 600 ha (đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo tiền khả thi năm 2004; TP.HCM cấp phép xây dựng năm 2007, đã san lấp 15,5ha) tăng lên 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, với tổng vốn đầu tư 217.053,967 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành trong 11 năm, gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 2019 – 2022), thực hiện: hạ tầng khung (đê bao, tuyến giao thông chính đô thị mặt cắt 50m, đường trục chính ra mũi Hải Đăng, đường liên khu vực và đường khu vực…); Biển hồ, khu công viên chuyên đề, khu cây xanh chuyên đề - thể dục thể thao; Khách sạn và khu hỗn hợp trung tâm; Khu công cộng dịch vụ đô thị; Khu hỗn hợp và tháp điểm nhấn cao 108 tầng; Khu nhà ở; Khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng;…

Giai đoạn 2 (từ năm 2022 – 2027), thực hiện: hoàn thiện tiếp hạ tầng khung (đường nhánh, bến cảng, Monorail); Công viên công cộng, bệnh viện, cầu qua biển hồ; Khu nhà và khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng; khu cao tầng hỗn hợp;…

Giai đoạn 3 (từ 2027 đến 2030) thực hiện: hạ tầng khung (bãi biển, các đường nhánh còn lại…); Nhóm nhà ở còn lại và khu khách sạn – resort du lịch nghỉ dưỡng;…

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thu-tuong-cho-phep-lan-bien-can-gio-2-870ha-khong-de-anh-huong-xau-den-khu-rung-ngap-man-23954.html