Thủ tướng chủ trì họp khẩn cấp đối phó với bão số 9
Cơn bão số 9 đang hoành hành trên biển Đông và dự báo sẽ tăng sức gió lên cấp 12, giật cấp 14, đổ bổ vào ven bờ các tỉnh từ Đã Nẵng đến Phú Yên. Trước diễn biến phức tạp của bão, sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn, lên các phương án nhanh nhất đối phó với bão.
Sáng 26/10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (NCHMF) Mai Văn Khiêm thông tin, sáng nay, bão Molave đã vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9. Vào lúc 9 giờ sáng nay, NCHMF phát đi tin bão khẩn cấp ngay khi bão vừa di chuyển vào Biển Đông để nâng cấp độ dự báo cho các tỉnh.
Theo ông Khiêm, các yếu tố tương tác đến cơn bão này khác hoàn toàn với bão số 8. Bão có nhiều điều kiện thuận lợi để mạnh lên trên Biển Đông và giữ sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 khi vào ven bờ các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên.
"Bão di chuyển hướng vào vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có đặc điểm khá thoáng, điều kiện địa hình ít chắn gió. Vì vậy, bão đang gặp nhiều điều kiện thuận lợi để giữ cường độ mạnh khi áp sát đất liền. Ba đặc điểm quan trọng của cơn bão này là di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng trên đất liền rộng" – ông Mai Văn Khiêm cho hay.
Cũng theo ông Khiêm, đây cũng là nhận định của cơ quan khí tượng Nhật Bản và Hong Kong về đường đi của cơn bão số 9. Theo đó, bão có thể giật cấp 14 vào chiều mai 27/10 trên biển Đông.
Khi đổ bộ vào ven bờ các tỉnh Nam Trung Bộ, bão vẫn duy trì cường độ mạnh cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày mai 27/10, vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Nam - Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão với nguy cơ về dông lốc, gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Từ đêm 27 đến ngày 28/10, khu vực đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu gió bão. Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Đáng lưu ý, sau khi cơn bão này đi sâu vào đất liền có thể gặp thêm không khí lạnh tăng cường ngày 28/10. Lúc này, hoàn lưu bão được tiếp thêm độ ẩm, gây mưa kéo dài cho khu vực phía nam Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ba nơi này có thể mưa liên tục trong các ngày 27-31/10 với lượng phổ biến 500-700 mm.
Hiện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão cụ thể: Đã tổ chức thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:
- Tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13: 1.279.163 người.
- Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa: 25.063; Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.
- Nuôi trồng thủy sản: 14.063 ha và 178.938 lồng, bè.
- Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh – Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ. Hồ chứa thủy lợi: khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ, đã tích 30-90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.
- Từ Thừa Thiên Huế - Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.