Thủ tướng có thể điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn

Sửa Luật Đầu tư công để vốn sớm đi vào nền kinh tế, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, chế tối đa tình trạng 'vốn chờ dự án', 'dự án chờ vốn' và cho thấy tư duy có đổi mới, tầm nhìn có thay đổi.

Thể chế hóa cơ chế đặc thù

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Các dự luật này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: tLàm luật lần này chúng tôi coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế.

 Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh minh họa.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh minh họa.

Theo chương trình, sáng ngày 29/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Chiều cùng ngày, dại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự luật này.

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý đầu tư công, thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài), thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã thực hiện thí điểm ở một số địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Luật được sửa đổi cũng nhằm huy động năng lực quản lý, nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công.

Dự thảo luật sửa đổi đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Cụ thể, là tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Hiện nay, chính sách tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhóm C mới được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An và quy định tại Luật Thủ đô năm 2024.

Dự thảo luật đề xuất: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ giao một địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 địa phương trở lên. Cơ chế đặc thù này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng tính chủ động, khai thác được nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án của địa phương. Do đó, cơ chế đặc thù này có thể mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Theo đó, Dự thảo luật đã đề xuất giao một địa phương làm chủ quản một dự án đi qua nhiều địa phương, dự án đi qua nhiều tỉnh thì giao 1 tỉnh làm đầu mối thực hiện, dự án đi qua nhiều huyện thì giao một huyện làm đầu mối triển khai.

Như thế, trong dự thảo luật viết: Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.

Rút 3 bước, giảm 3 tháng

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền đang là đòi hỏi từ thực tế và cũng đang được hy vọng ở lần sửa đổi luật này.

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5 - 6 tháng để thực hiện 6 bước). Vì thế hiệu quả triển khai thực hiện dự án; chưa đáp ứng được nhu cầu, tính cấp bách của việc điều chỉnh trong một số trường hợp, đối với một số bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án.

Để khắc phục hạn chế này, dự thảo đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Như vậy rút ngắn 3 bước, giảm thời gian 2-3 tháng, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng thời cũng phù hợp với chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm soát quyền lực và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát.

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn NSTW là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5 - 6 tháng để thực hiện 6 bước).

Tương tự, hiện nay thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW thuộc Quốc hội, phải đến kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo. Thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định sẽ mất từ 6-8 tháng, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc bố trí nguồn lực. Để nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn này dự thảo luật đề nghị phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại dự thảo cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Với những sửa đổi như trong dự thảo việc giao vốn được kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn” và vốn sẽ sớm đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đồng thời thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo còn địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Và như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bộc bạch:Lần sửa luật này cho thấy tư duy có đổi mới, tầm nhìn có thay đổi. Đây là những điểm sẽ tạo nên sự thay đổi về phương thức quản lý, quản trị quốc gia.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-co-the-dieu-chinh-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-post318882.html