Thủ tướng: Gác lại việc chưa cần thiết, nỗ lực cao nhất phòng chống dịch an toàn
Thủ tướng kêu gọi toàn dân nỗ lực cao nhất, chung tay với Chính phủ, gác lại việc chưa cần thiết, đảm bảo thực hiện tuyệt đối các quy định phòng chống dịch.
Sau khi xuất hiện các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, ngay sáng 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới với phương châm phải nhanh nhất khống chế dịch, không để lây lan, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế…
Tập trung sức lực toàn dân
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước ngay lúc này chung tay với Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết để phòng chống dịch. Mục tiêu cao nhất đó là bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân, thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong việc truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
“Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, huy động trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng lực vào phòng chống dịch.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt hơn, nghiêm hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn” chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Trong đó, cần căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra; chủ động, linh hoạt sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương và tình hình dịch trên địa bàn để thực hiện mục tiêu kép.
Bộ Y tế cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về dịch bệnh, về nguy cơ lây nhiễm (ví dụ thế nào là nguy cơ cao, thấp, trung bình, thế nào là có dịch…) và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phân cấp cho các cấp chính quyền căn cứ vào tình hình, vào tiêu chí đó để lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định các biện pháp của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tích cực, quyết liệt đẩy mạnh tìm nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho người dân trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, có ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, không để xảy tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong công tác này.
Kiểm soát chặt cách ly tại nhà sau khi cách ly tập trung
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước thời điểm này là đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, tàn phá nặng nề các nước láng giềng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cộng tác của nhân dân, Việt Nam thời gian qua được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt nhất tình hình dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nay các ca bệnh xuất hiện ở một số địa phương. Nếu không kiểm soát tốt, dịch sẽ xô đổ mọi thành quả đạt được thời gian qua.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, siết chặt việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là việc quản lý, giám sát, kiểm tra khâu cách ly tập trung và sau cách ly tập trung (tự cách ly tại nhà). Những người sau cách ly tập trung về cách ly tại nhà cần có hồ sơ theo dõi y tế.
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng phải rà soát, xem lại quy trình cách ly cho chặt chẽ hơn, rút kinh nghiệm từ trường hợp ca bệnh 2899 di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Đà Nẵng để về quê sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ khâu cách ly tại nhà. Chỉ 1% số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày, vì vậy thời gian cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung chính là kiểm soát các trường hợp đó (có khả năng, ca 2899 rơi vào số 1% này).
Không chủ quan, mất cảnh giác
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh và khi chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước, mầm bệnh có thể thâm nhập. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc các ca bệnh bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt. Do đó, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.
“Phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học phòng chống dịch từ các nước trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.