Thủ tướng gửi Công điện khẩn yêu cầu không để dân đói, rét do mưa lũ lớn tại miền Trung

Lúc 11h10 trưa nay 10/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Đà Nẵng nhận được Công điện hỏa tốc số 1372/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký cùng ngày, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Công điện 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, từ ngày 6/10 đến nay, tại các tỉnh khu vực mền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300 – 500mm; đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa từ 700 – 900mm, một số khu vực đã xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông.

Mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 6/10 đến nay đang gây ngập lụt nặng tại nhiều địa bàn ở miền Trung.

Mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 6/10 đến nay đang gây ngập lụt nặng tại nhiều địa bàn ở miền Trung.

“Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên rất nhanh, nhiều nơi trên mức báo động 3, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các vùng thấp trũng, nhất là khu vực các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông, Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị); Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam), Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Minh Hóa (Quảng Bình)” – Công điện 1372/CĐ-TTg nêu rõ.

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối. Những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.

Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khu có mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa hương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện hpaps gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Bố trí lực lượng trực canh các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn ca, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban chỉ đạo TƯ về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN địa phương có liên quan để chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

Các Bộ NN-PTNT, Công thương, EVN được yêu cầu chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo; cử các đoàn công tác phối hợp, hõ trợ các địa phương trong vận hành hồ; chỉ đạo chủ hồ đập tính toàn, kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương, đề xuất phương án vận hành trong trường hợp xảy ra lũ lớn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Ngoài ra, các Bộ Công an, GTVT, TT&TT, Y tế, GD-ĐT, TN-MT, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT… cũng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn, khắc phục hậu quả mưa lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/xa-hoi/thu-tuong-gui-cong-dien-khan-yeu-cau-khong-de-dan-doi-ret-do-mua-lu-lon-tai-mien-trung/20201008115035340