Thủ tướng: Lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp tham gia các công trình trọng điểm quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp, nhà thầu hoạt động đúng pháp luật, không thông thầu, bán thầu, 'đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện'...

Chiều 3-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các hiệp hội và đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Người dân tự nguyện nhường mặt bằng cho dự án đường dây 500kV

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát một số kết quả đạt được trong triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia.

Đáng chú ý, Thủ tướng nhắc tới sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông dẫn chứng dự án đường dây 500 kV mạch 3 liên quan tới hàng nghìn người dân nhưng người dân tự nguyện nhường mặt bằng cho dự án, không phải cưỡng chế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Các địa phương, nhất là bí thư, chủ tịch đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", chia sẻ với các chủ đầu tư, các nhà thầu.

Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia dự án đã quyết tâm cao, trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức. Các doanh nghiệp, nhà thầu thi công triển khai với tinh thần "3 ca, 4 kíp", vượt nắng, thắng mưa", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", các nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ các nhà thầu phụ, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án…

"Chúng ta đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược thời gian qua" - Thủ tướng nói.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương tinh thần làm việc, cống hiến, đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà thầu đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ việc triển khai các dự án còn có những tồn tại, hạn chế, bất cập liên quan giải phóng mặt bằng; hệ thống định mức xây dựng; các quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện; đào tạo nhân lực…

6 nhiệm vụ trọng tâm

Với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km cao tốc cùng hệ thống các sân bay, bến cảng, hạ tầng điện, viễn thông… Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm.

 Đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham dự phiên họp. Ảnh: NHẬT BẮC

Đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham dự phiên họp. Ảnh: NHẬT BẮC

Thứ nhất, nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới.

Thứ hai, cùng nhau huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược, với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, cùng nhau tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Thứ năm, các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải thực hiện tốt yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Các ngân hàng phải vào cuộc, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai các công việc theo các nhiệm vụ trọng tâm nói trên.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục cập nhật, lắng nghe, đi kiểm tra, giám sát, từ đó tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đất đai, vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về mỏ nguyên vật liệu và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng.

Bộ KH&ĐT thực hiện quản lý nhà nước liên quan công tác quy hoạch, vận dụng các cơ chế, chính sách sẵn có, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp tình hình để huy động, kích hoạt mọi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp phát triển hạ tầng chiến lược.

Bộ Tài chính triển khai các chính sách liên quan thuế, phí, lệ phí, thực hiện chính sách tài khóa, công tác thanh toán, quyết toán được thuận lợi, nhanh chóng với doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngân hàng phải vào cuộc, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, góp phần hạ lãi suất, nghiên cứu các gói tín dụng ưu tiên cho phát triển hạ tầng.

Các địa phương được yêu cầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của bí thư cấp ủy, bảo đảm nơi ở mới của người dân tái định cư tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, quan tâm chăm lo sinh kế, đời sống, sản xuất, kinh doanh… của người dân.

Cạnh đó, phối hợp, động viên, chia sẻ với các nhà đầu tư, nhà thầu, không để nhà thầu cô đơn trên công trường.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà thầu hoạt động đúng pháp luật, không thông thầu, bán thầu, "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết; luôn năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm trong triển khai công việc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, tin tưởng và kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có các doanh nghiệp tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia tiếp tục phát huy tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp"...

Nêu ý kiến, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế. Ông dẫn chứng hiện thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn.

Ngoài ra, ông Hoàng kiến nghị phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…

Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường Nguyễn Văn Trường nêu một số đề xuất liên quan sử dụng đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường…

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-lang-nghe-go-kho-cho-doanh-nghiep-nha-thau-tham-gia-xay-dung-cac-cong-trinh-trong-diem-quoc-gia-post813214.html