Thủ tướng Malaysia công bố sách hướng dẫn tiêm chủng COVID-19 quốc gia
Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết dự kiến đến quý 1/2022, khoảng 27 triệu người, chiếm 80% dân số Malaysia sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Ngày 16/2, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố sách hướng dẫn về Chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Muhyiddin cho biết vắcxin ngừa COVID-19 là một trong những hy vọng chính của đất nước để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Sách hướng dẫn chương trình tiêm chủng gồm 26 trang và có thể tải tại địa chỉ www.VaksinCovid.gov.my.
Malaysia sẽ triển khai tiêm chủng quốc gia từ ngày 26/2 tới, trong đó ưu tiên những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch, các nhóm nguy cơ cao, sau đó đến người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm theo từng đợt.
Theo Thủ tướng Muhyiddin, chính phủ đã giải ngân khoảng 3 tỷ ringgit (744,5 triệu USD) cho chương trình đặc biệt cấp quốc gia này. Những hướng dẫn và phương pháp nhận vắcxin đã được nêu cụ thể trong cuốn sách trên.
Ủy ban đặc biệt về đảm bảo tiếp cận nguồn cung ứng vắcxin COVID-19 (JKJAV) cho biết cuốn sách này bao gồm chi tiết về chiến dịch mua vắcxin, trong đó có việc thực thi và giám sát chương trình tiêm vắcxin. Việc đặng ký chương trình tiêm vắcxin có thể thực hiện thông qua ứng dụng Myejahtera.
Trước đó, ngày 12/2, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin xác nhận rằng Thủ tướng Muhyiddin sẽ là người đầu tiên của Malaysia tiêm vắcxin để thúc đẩy niềm tin của người dân về tính an toàn của vắcxin.
Tháng 1 vừa qua, ông Muhyiddin cho biết dự kiến đến quý 1/2022, khoảng 27 triệu người, chiếm 80% dân số Malaysia sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) của Australia thông báo đã phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford (AstraZeneca/Oxford) phối hợp bào chế để sử dụng ở nước này.
Đây là loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai được phê duyệt lưu hành ở Australia sau khi TGA cấp phép cho vắcxin Pfizer/BioNTech vào tháng trước.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, TGA cho biết vắcxin AstraZeneca/Oxford sẽ được sử dụng cho những người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, TGA khuyến cáo việc tiêm vắcxin AstraZeneca/Oxford cho các bệnh nhân trên 65 tuổi cần được quyết định trên cơ sở từng trường hợp do chưa đủ số liệu từ các thử nghiệm lâm sàng để xác định hiệu quả tổng thể của vắcxin đối với nhóm tuổi này.
Cho đến nay, Australia đã bảo đảm nguồn cung 53,8 triệu liều vắcxin AstraZeneca/Oxford, trong đó 50 triệu liều sẽ được sản xuất trong nước bởi tập đoàn dược phẩm CSL.
Không giống như vắcxin Pfizer/BioNTech đòi hỏi phải được bảo quản trong nhiệt độ từ -90 đến -60 độ C, vắcxin AstraZeneca/Oxford chỉ cần bảo quản ở mức nhiệt 4 độ C. Quyết định trên của TGA được đưa ra một ngày sau khi 142.000 liều vắcxin Pfizer/BioNTech đầu tiên tới Australia, với việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần tới.
Ngày 15/2, Tổng thống Colombia Iván Duque thông báo nước này đã nhận được lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên gồm 50.000 liều Pfizer/BioNTech.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, với lô vắcxin trên, Colombia sẽ bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vào ngày 20/2 tới với kỳ vọng hơn 1 triệu người dân có thể tiếp cận các loại vắcxin ngừa COVID-19 trong vòng 1 tháng. Trong những tuần tiếp theo đó, khoảng 1,6 triệu liều vắcxin sẽ được phân phối theo lịch trình chính thức.
Chính phủ Colombia đã lên kế hoạch tiêm chủng trong năm nay cho khoảng 35,7 triệu người, tương đương với 70% trong tổng số 50 triệu dân, nhờ các thỏa thuận ký với các hãng dược phẩm SinoVac (Trung Quốc), AstraZeneca (Thụy Điển) và Johnson & Johnson (Mỹ), cũng như việc tham gia chương trình chia sẻ vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy.
Kế hoạch do chính phủ vạch ra cho thấy đối tượng tiêm chủng đầu tiên sẽ là những người trên 80 tuổi và những nhân viên y tế tuyến đầu.
Kể từ khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 6/3/2020, Colombia đã ghi nhận gần 2,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 57.000 ca tử vong, đứng vị trí thứ tư ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe./.