Thủ tướng mong thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

Sáng 15-10, Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Đại hội.

Các đại biểu dự Đại hội

Các đại biểu dự Đại hội

Tham dự Đại hội có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Đại hội cũng chào đón các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và nhân dân thành phố.

Tham dự Đại hội có 444 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 250.000 đảng viên toàn Đảng bộ thành phố.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Nhiều kết quả nổi bật

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, bảo đảm các nguyên tắc, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành công việc tổ chức đại hội 2.091 đảng bộ cơ sở, 63 đảng bộ quận, huyện và cấp trên cơ sở, tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố.

Các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội XI Đảng bộ thành phố được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo xây dựng chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Đảng bộ thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự góp ý tâm huyết, sâu sắc của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chia sẻ trách nhiệm của lãnh đạo các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội...

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã nhận được hơn 39.000 ý kiến góp ý phong phú, thiết thực từ thực tiễn công tác của các đại biểu tại đại hội của 2.091 tổ chức cơ sở Đảng và 63 đảng bộ quận, huyện và cấp trên cơ sở.

Những đóng góp quý báu, xây dựng, trách nhiệm cao của đồng chí, đồng bào đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X nghiêm túc tiếp thu để hoàn chỉnh tốt nhất các văn kiện trình Đại hội XI Đảng bộ thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 5 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn; kinh tế tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước; văn hóa, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao. GRDP/người của thành phố là hơn 6.300 USD vào năm 2020... Tuy nhiên, yếu kém lớn nhất của Đảng bộ thành phố là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của thành phố, của hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân và đòi hỏi phát triển của thành phố.

Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ thành phố có nhiệm vụ rất quan trọng, phát huy trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận, đóng góp sâu sắc cho các dự thảo văn kiện quan trọng trình Đại hội XIII của Đảng; kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua.

Đặc biệt, Đại hội có trách nhiệm tập trung trí tuệ thảo luận và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ để tiếp tục phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thời cơ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Đại hội có trách nhiệm lựa chọn các đồng chí có đức, có tài, có mối quan hệ gắn bó với nhân dân, tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ và năng lực để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI và bầu Đoàn đại biểu đủ số lượng, đúng chất lượng, tiêu biểu cho ý chí, năng lực và nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm; năng suất lao động bình quân của thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, bình quân gấp 2,4 lần so với cả nước. Thu ngân sách thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (năm 2019 là hoảng 27%).

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng hệ thống chính trị thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 là: Đến năm 2025, là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500-9.000 USD. Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000-14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025 là: GRDP bình quân hằng năm tăng 8-8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500-9.000 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45-50%; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm…

Cần giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Phát biểu chỉ đạo Đại Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đưa Thành phố phát triển, đóng góp quan trọng và thành tựu chung cả nước.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên một số tồn tại, trong đó tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Vị thế đặc biệt quan trọng của thành phố, mức độ vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần. Động lực tăng trưởng mới của thành phố còn nằm trên định hướng, chưa định hình rõ nét. Tính tiên phong, sức chiến đấu năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên còn hạn chế, đặc biệt trong việc tháo gỡ các nút thắt vướng mắc khiến thị trường không thể phát huy hết vai trò.

Trước những thách thức, cơ hội của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đánh giá cao mục tiêu, định hướng phát triển Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: "Đó là xây dựng Thành phố thông minh phát triển nhanh, bền vững; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề những cũng rất vẻ vang với Thành phố. Với tiềm năng, lợi thế không nơi nào có được như nguồn nhân lực chất lượng cao, sự tiên phong về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển và giàu tiềm năng; lợi thế trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, nhất là công nghiệp, dịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch và đô thị thông minh, Thủ tướng tin tưởng các mục tiêu này có tính khả thi cao, hoàn toàn có khả năng đạt được. Đặc biệt với tinh thần cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước và sự nỗ lực phấn đấu, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh".

Thủ tướng cũng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng 4 chương trình phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là điểm nổi trội, đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới sáng tạo, tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thành phố, đưa Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo với đẳng cấp khu vực quốc tế trong tương lai.

"Thứ nhất là nắm bắt vận hội thời cơ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc biệt và sự năng động sáng tạo quyết tâm cao của Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố để hiện thực hóa khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ của thành phố. Các đồng chí cần nhận thức sâu sắc đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng tiên phong của thành phố để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước trên cơ sở thực hiện tốt vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; sớm khắc phục những hạn chế bất cập, tiếp tục phát triển với chất lượng tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025"- Thủ tướng nêu rõ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cần đặc biệt lưu ý xác lập vai trò “hạt nhân” phát triển của Thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Đông Nam Bộ, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thành phố cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, huy động sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Trong đó, cần khai thác hiệu quả thế mạnh của một trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo quốc gia để nắm chắc thời cơ; không ngừng đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để đi đầu trong lĩnh vực mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mô hình, phương thức kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế bằng đêm…

Thủ tướng cũng đề nghị hành phố đi đầu trong việc tạo ra cơ chế, chính sách đột phá để huy động phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bởi Thành phố không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp.

"Còn các cơ chế mà trong báo cáo chính trị đã nêu như chính quyền đô thị, phát triển Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; dự án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ủng hộ. Còn các cơ chế gì nữa thì các đồng chí nghiên cứu đề nghị tiếp, Trung ương lắng nghe và giải quyết kịp thời, tạo mọi điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong thời gian tới. Với những điều kiện rất thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đưa các yếu tố, các nội hàm, các cơ chế đột phá nêu trên thành những động lực quan trọng, nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội"- Thủ tướng đề nghị.

Theo Thủ tướng, Thành phố cũng cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan Trung ương, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách quy hoạch, kế hoạch các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố. Kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “quyền anh quyền tôi”, “trên nóng dưới lạnh” tiếp diễn, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác và xử lý công việc với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI là một sự kiện chính trị quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Thành phố. Với niềm tin khí thế mới và bề dày lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, với vinh dự tự hào và trách nhiệm của Thành phố được mang tên Bác Hồ kính yêu, Thủ tướng tin tưởng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và các phong trào thi đua yêu nước cách mạng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đã đề ra, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thu-tuong-mong-thanh-pho-ho-chi-minh-giu-vung-vai-tro-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-213742.html