Thủ tướng: Năm 2021, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tinh thần biến 'nguy cơ thành thời cơ'

Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến 'nguy cơ thành thời cơ', tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỷ USD.

Chiều nay (24/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.

Báo cáo kết quả đạt được các chỉ tiêu tổng hợp năm 2020 tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp khoảng 2,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Năm 2020, thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, mục tiêu năm 2021, ngành NN&PTNT đưa ra là tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7-3%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất. Điều đó thể hiện ngoài vai trò sống còn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt.

Thủ tướng cũng vui mừng vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo có giá trị cao hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ, Bộ NN&PTNT với vai trò là cơ quan thường trực đã góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ NN&PTNT luôn đảm bảo kịp thời, nhạy cảm, sát sao, đúng và trúng… Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế như: Ngành nông nghiệp tăng trưởng vẫn chưa đảm bảo bền vững. Thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Một số mục tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra… Cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp vẫn còn yếu. Chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn; môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn vẫn còn thấp so với khu vực thành thị. Năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp vẫn còn thấp…

Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA vẫn còn thấp. Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra…

Thời gian tới, nhất là trong năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến “nguy cơ thành thời cơ”, tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỷ USD...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-nam-2021-nganh-nong-nghiep-can-tiep-tuc-tinh-than-bien-nguy-co-thanh-thoi-co-post110584.html