Thủ tướng: Ngân hàng Việt phải vượt lên so với khu vực
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các ngân hàng Việt không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh để 'bắt cùng, tiến kịp' mà còn phải vượt lên so với các ngân hàng trong khu vực.
Sáng 8/5, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Thời báo ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.
Chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, cũng như các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
"Chính phủ, Thủ tướng cũng luôn xác định và rất kỳ vọng ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số", Thủ tướng nói và cho biết ngành ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này.
Đánh giá cao những kết quả mà ngành ngân hàng đã đạt được như tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87% (vượt mục tiêu 80% vào năm 2025); tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân năm đạt hơn 50%; tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tăng trưởng giao dịch trên internet đạt hơn 50%... lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý những tồn tại, hạn chế trong hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
Cụ thể, theo Thủ tướng, thể chế, chính sách về chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn nhiều vướng mắc, như Nghị định 73/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi. Tương tự, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt hiện vẫn chưa được ban hành.
Về hạ tầng số, nền tảng số, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng 5G, trung tâm dữ liệu lớn...). Công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, chưa ngăn chặn được các hành vi tấn công bằng mã độc để tống tiền đang ngày càng phổ biến. Trong đó, riêng quý I năm nay đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng.
"Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới như Fintech vẫn còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin", Thủ tướng chia sẻ.
Các ngân hàng Việt Nam không chỉ phải bắt cùng, tiến kịp mà còn phải vượt lên so với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Từ thực tiễn này, người đứng đầu Chính phủ đặt ra 3 mục tiêu cho ngành ngân hàng để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới. Đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp tiếp cận tất cả dịch vụ ngân hàng.
Tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, góp phần kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động ngân hàng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh những quan điểm chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian tới, trong đó có yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những yếu tố then chốt để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Các ngân hàng Việt Nam không chỉ phải bắt cùng, tiến kịp mà còn phải vượt lên so với khu vực và thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sớm trình cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối, pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng hiệu quả. Từ đó, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các ngân hàng cũng phải nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam để định hướng các hoạt động chuyển đổi số.
Trong đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng phải gắn với kinh tế số, xã hội số, công dân số và kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần chuyển đổi số ngành ngân hành một cách toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Về nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" cho ngành ngân hàng.
Bao gồm, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng chống tham nhũng, rửa tiền; đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao; và đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ đạo NHNN sớm đề xuất nội dung nghị định hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành trong quý II năm nay và yêu cầu NHNN rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tuong-ngan-hang-viet-phai-vuot-len-so-voi-khu-vuc-post1474344.html