Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G20
* Tiếp xúc song phương bên lề Hội nghịNgày 28-6, tại Trung tâm Hội nghị Intex của thành phố Ô-xa-ca, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã trang trọng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên G20, các nước khách mời, cùng đại diện Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)...
* Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số, do Thủ tướng S.A-bê chủ trì. Tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo tham dự đã thông qua Tuyên bố Ô-xa-ca về Kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số.
* Tại phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
toàn cầu…
* Tại phiên họp về Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và luật quốc gia. Thủ tướng cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp. Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các trung tâm nghiên cứu - phát triển trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ cơ hội từ đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo tham dự chiêu đãi chính thức của Hội nghị, do Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê chủ trì.
* Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao G20, sáng 28-6, tại Ô-xa-ca, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp, làm việc với các lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Nhật Bản, như Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy…
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng cao, đến năm 2030 chiếm hơn 50% dân số, với sự thích nghi nhanh chóng việc ứng dụng công nghệ. Việt Nam cũng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; có quan hệ với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, với tổng số vốn hơn 350 tỷ USD. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 60 tỷ USD. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế - xã hội, với ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, triển khai thương mại điện tử ứng dụng công nghệ 5G đến năm 2020, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm an toàn thông tin, phấn đấu trở thành trung tâm an ninh mạng ở khu vực ASEAN, một trong những nhà sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin lớn trên thế giới. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, đồng thời cam kết bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện các tập đoàn công nghệ Nhật Bản bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những điểm phát triển lĩnh vực công nghệ của mình. Các nhà đầu tư cho rằng, công nghệ là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng, do đó việc phát triển nguồn nhân lực là việc rất quan trọng; mong muốn Việt Nam quan tâm nhiều hơn lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cũng đề cập tầm quan trọng của viễn thông 5G và đề nghị được tham gia quá trình xây dựng các trung tâm dữ liệu 5G tại Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị được tham gia các lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam; mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện thời gian cấp phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài; linh hoạt trong xét duyệt kế hoạch kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ...
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Cô-i-chi Mi-ya-ta, một nhà đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động đầu tư tài chính của SMBC tại Việt Nam; tin tưởng, trong giai đoạn hợp tác chiến lược sắp tới giữa hai nước, SMBC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
* Ngày 28-6, bên lề Hội nghị cấp cao G20, tại Ô-xa-ca, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp và trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết triển khai các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, tiếp tục tăng cường, đưa vào chiều sâu quan hệ hai nước.
* Tại cuộc gặp cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Đ.Trăm trao đổi về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng. Tổng thống Đ.Trăm hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam chống gian lận xuất xứ hàng hóa và thương mại.
* Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu các mối quan hệ giữa hai nước về kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch và tăng cường kết nối hàng không.
* Trong cuộc tiếp xúc song phương, Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm mở rộng hợp tác hai nước, nhất là phối hợp trong triển khai và tận dụng hiệu quả CPTPP. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác phát triển sang các lĩnh vực mới, như tài chính, công nghệ cao, nông nghiệp, năng lượng tái tạo... Ca-na-đa cũng khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục.
* Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Chi-lê X.Pi-nhê-ra, nhà lãnh đạo Chi-lê bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam không chỉ trong khuôn khổ song phương đang phát triển tốt đẹp hiện nay mà còn trên các khuôn khổ đa phương, nhất là tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh Thái Bình Dương (PA) và hợp tác Chi-lê - ASEAN.
* Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Giăng-cơ nhấn mạnh, việc Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam sắp tới ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên lên tầm cao mới. EU đánh giá cao cam kết và nỗ lực thực thi của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và hợp tác hiệu quả với EU.
* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.A-ha-nôm khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, WHO đánh giá cao những nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam. Lãnh đạo WHO mong muốn Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm tại Hội nghị cấp cao về chăm sóc y tế toàn dân sẽ diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ) tháng 9 tới.
* Bên lề Hội nghị cấp cao G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi nhanh với các Tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ác-hen-ti-na, các Thủ tướng Xin-ga-po, Hà Lan về hợp tác giữa Việt Nam với các nước và phối hợp trong các vấn đề quốc tế, khu vực. Lãnh đạo các nước chúc mừng Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.