Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ

Chiều 3-3, phát biểu kết luận Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: 'Hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan' trong thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chiều 3-3, phát biểu kết luận Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: “Hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan” trong thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp.

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế xã hội cả nước vẫn có những điểm sáng, CPI giảm, xuất khẩu tăng, phát triển doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Hoãn, miễn, giảm về tài chính ít nhất 30 ngàn tỷ đồng

Trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình, xem xét những yếu tố tác động để đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, Chính phủ đề nghị huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhân dân cả nước để thực hiện thành công nhiệm vụ kép: “Vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra”. Cùng với đó là chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới.

“Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng”, như “lò xo bị nén” cần chuẩn bị tốt để bật ra một ngày gần đây, Thủ tướng nói.

Nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “Phải ra được những giải pháp cụ thể, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện ngay”, đặc biệt, thương mại, tài chính, dịch vụ, xuất nhập khẩu là những ngành chịu tác động lớn từ dịch bệnh; hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do COVID-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng. Trong triển khai các gói hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng yêu cầu cần hoãn, miễn giảm về tài chính ít nhất là 30 ngàn tỷ đồng và biện pháp này cần có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, tránh tư tưởng xin cho, không minh bạch trong quá trình triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ cần tập trung làm tốt để đối phó với những bất lợi từ bên ngoài. Các bộ, ngành liên quan tiếp tục chuẩn bị kịch bản đối phó với diễn biến kinh tế thế giới, không để bị động, bất ngờ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường. Cải cách đổi mới, tạo nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Thuế thu nhập cá nhân có “lạc hậu, vô cảm”?

Chiều 3-3, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, trước câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất mới về thay đổi mức chịu thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, nhưng với mức chịu thuế mới 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh lên 4,4 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng “lạc hậu, vô cảm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ khoản 4 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. “Tất cả các cơ quan cũng như mọi người dân đều phải thực hiện tuân thủ luật thuế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên về thuế thu nhập cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên về thuế thu nhập cá nhân.

Bà Vũ Thị Mai lý giải, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6-2019 chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,17% và đến hết tháng 12-2019 tăng 23,2%. Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đó là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phải phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người, với tổng số thu ngân sách nhà nước đạt trên 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 13% so với năm 2019.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Bộ Công an lên tiếng về trường hợp Lê Quốc Tuấn

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời về trường hợp Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”) Chánh Văn phòng Bộ Công an (CA) Tô Ân Xô cho biết: Ngay sau khi Lê Quốc Tuấn gây án, Bộ CA và CA TPHCM xác định đây là tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì đối tượng có súng AK với rất nhiều đạn, thậm chí có thêm nhiều vũ khí khác. Đối tượng rất thông thạo địa bàn, có mối quan hệ rộng và đặc biệt liều lĩnh. Thêm nữa, Tuấn có kiến thức đối phó lực lượng CA. Do đó, Bộ CA đã có kế hoạch chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm truy bắt Tuấn. Trước khi gây án Tuấn là cán bộ ngành CA nhưng do không tu dưỡng, không rèn luyện kỷ luật, cờ bạc dẫn đến vụ việc như vậy. Sau việc này, Bộ CA đã chỉ đạo CA TPHCM yêu cầu lãnh đạo CAQ 11 kiểm điểm về việc quản lý CBCS và quản lý đơn vị. Đồng thời, kiểm điểm CA Củ Chi về việc để địa bàn xảy ra một số ổ cờ bạc. Phát hiện được Tuấn “khỉ” trong quá trình lẩn trốn là vì chúng tôi đã phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có tin báo tố giác tội phạm của nhân dân kết hợp với nghiệp vụ. Về nguồn gốc của súng, theo điều tra đối tượng Phạm Thanh Tâm thì khẩu súng Tuấn “khỉ” sử dụng gây án là của Phạm Thanh Tâm, được mua ở Campuchia vào tháng 8-2019 với giá 20 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, CA TPHCM đã khởi tố 17 bị can với tội danh tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Các đối tượng liên quan có vai trò hỗ trợ giúp sức cho Tuấn “khỉ” trong quá trình lẩn trốn sau khi gây án. Vụ án hiện trong quá trình điều tra do đó chúng tôi không cung cấp danh sách liên quan.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_221144_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ho-tro-tot-nhat-cho-san-xuat-kinh-doanh-dich-vu.aspx