Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ
Sáng 24-10, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương, các đơn vũ trang tại các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát, động viên, thăm hỏi chính quyền, nhân dân tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tham gia đoàn công tác còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm ân cần của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan Trung ương đến chính quyền, đồng bào, chiến sĩ các tỉnh miền Trung, đặc biệt là những gia đình có cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ; người bị chết do thiên tai, lũ lụt gây ra.
Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong công tác triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, chính quyền địa phương các tỉnh, các đơn vị của Bộ Quốc phòng; Bộ Công an, các lực lượng liên quan đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ trong giúp dân ứng phó với mưa lũ vì vậy mà đã giảm được thiệt hại cho nhân dân.
Qua đợt thiên tai cũng thấy được tinh thần "tương thân, tương ái" của đồng bào, nhân dân ta đã chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào các tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên do mưa lũ quá lớn, thiên tai khắc nghiệt nên các tỉnh miền Trung vẫn phải gánh chịu những thiệt hại lớn với 119 người chết, 21 người mất tích, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Hiện nay, nhiều khu vực vẫn còn bị cô lập, nhiều gia đình thiệt hại nặng, trường học chưa thể đón học sinh trở lại… Chính vì vậy, đề nghị các cơ quan, chính quyền địa phương cần triển khai ngay các công việc không để người dân đói, rét, bệnh tật, sớm đưa học sinh trở lại trường.
Tạo điều kiện hoạt động cứu trợ cho nhân dân miền Trung nhưng phải có sự giảm sát, quản lý rõ ràng, đảm bảo công bằng với mọi người dân bị ảnh hưởng. Sớm xử lý môi trường, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, các địa phương cũng cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Các bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương rút ra được bài học trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trong gần 1 tháng qua, tại 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã chịu ảnh hưởng trực tiếp 3 cơn bão (5,6,7) và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến trên 1.000 mm. Riêng Quảng Trị và Thiên Thiên Huế mưa tới 2.500 mm và vượt mưa lũ lịch sử năm 1999. Lũ lớn, đặc biệt lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông trên khu vực, gây ngập lụt trên phạm vi rộng, ảnh hưởng tới 317.597 hộ với 1,2 triệu người tại 427 xã thuộc 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đây cũng là đợt lũ kéo dài nhất (15 ngày).
Cùng với đó, trên tuyến núi cũng đã xảy ra 268 điểm sạt lở, trong đó có một số địa điểm sạt lở nghiêm trọng như Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 67 (tỉnh Thừa Thiên Huế); địa bàn các xã thuộc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Thống kê cho thấy đây là đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, khốc liệt tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển, đồng bằng cho đến trung du, miền núi.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Thường trực Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; các bộ, ngành địa phương đã ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Lực lượng vũ trang đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, phương tiện sát cánh chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành các địa phương miền Trung đã huy động tổng lực, triển khai đồng bộ các biện pháp với tinh thần trách nhiệm cao, tổ chức sơ tán, di dời 79.570 hộ/279.625 người tại các khu vực ngập sâu, sạt lở đất đến nơi an toàn. Thực hiện kêu gọi, hướng dẫn neo đậu an toàn toàn cho 61.702 tàu thuyền tránh trú, đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện…
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ cho 5 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam) mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng; xuất cấp 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 áo phao cứu sinh các loại, 8 máy phát điện. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong chuyến công tác tại miền Trung đã quyết định hỗ trợ bổ sung cho tỉnh Quảng Trị 40 tỷ đồng, Quảng Nam 20 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các công trình tại các huyện miền núi khó khăn; Bộ Quốc phòng hỗ trợ đồng bào bị bão lụt 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 77,5 tấn lương khô và các trang thiết bị cứu nạn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp 30.000 lít và 20 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, chỉ đạo chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất…
Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu những ý kiến nhằm hỗ trợ các tỉnh miền Trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tại gây ra. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, hiện nay các đơn vị trong Quân đội đã điều động hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và dân quân địa phương cùng phương tiện để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng đã xuất số lượng lớn hàng cứu trợ hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Hiện nay, các đơn vị quân đội đang sẵn sàng nhận mệnh lệnh tiếp tục hành quân để giúp chính quyền, nhân dân địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng cần phải tính toán, yêu cầu về quân số để Bộ Quốc phòng có sự điều chỉnh hợp lý, khoa học, hiệu quả…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, đây là một đợt lũ lụt lịch sử. nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với sự tham gia của nhiều lực lượng, phương tiện nên đã giảm được thiệt hại. Đảng, Nhà nước biểu dương chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong ứng phó với thiên tai.
Qua đợt bão lũ này, cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ thì các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân cả nước đã chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện thiên tai ngày càng khắc nghiệt cần tăng cường nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân về sự tác động của thiên tai, trong đó nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Cải thiện năng lực dự báo thiên tai, đặc biệt là cần tăng cường công nghệ dự báo thiên tai, thực hiện nghiêm túc các nội dung về giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhanh chóng đảm bảo cuộc sống cho nhân dân trong vùng lũ lụt, đảm bảo sinh kế lâu dài, cấp giống để người dân phục hồi sản xuất.
Tiếp tục huy động hệ thống chính trị, các tổ chức, đặc biệt là quân đội, công an chung tay hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm hỗ trợ cho nhân dân, không được để nhân dân thiếu đói, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, trẻ em thất học.
Cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác ứng phó với thiên tai, công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng. Ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo người dân về mức độ mưa, lũ, thiên tai. Tiếp tục bổ sung lực lượng, hỗ trợ nguồn lực để các tỉnh miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Sẵn sàng các phương án để hỗ trợ nhân dân ứng phó với cơn bão số 8, 9 không để thiệt hại thêm về tính mạng, tài sản nhân dân, Nhà nước. Cùng với khôi phục thiên tai, cần cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước.