Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Thắt chặt tình xưa hay sự khởi đầu mới
Với chuyến thăm Mỹ từ ngày 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Chuyến thăm sẽ có gì đáng chú ý? Tiêu điểm thời sự của báo Thế giới & Việt Nam.
Ngày 16/4 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thăm Mỹ, qua đó trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Washington dưới thời ông Joe Biden. Đây cũng là chuyến công du xứ cờ hoa đầu tiên của ông Suga kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản tháng 9/2020. Vậy chuyến đi này có gì đáng chú ý?
Ngoại giao cá nhân trở lại
Thứ nhất, việc Thủ tướng Suga Yoshihide là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời tới thăm Mỹ củng cố vai trò của Tokyo như một đối tác không thể thay thế của Washington trước các thách thức khu vực và quốc tế ngày một lớn.
Đồng thời, sự kiện này cho thấy ưu tiên của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Đây là cơ hội, song cũng là thách thức với Thủ tướng Suga Yoshihide, khi ông có thể sử dụng cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden để tạo dấu ấn đối ngoại đậm nét và xây dựng uy tín, vị thế lãnh đạo quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ, đóng góp tích cực cho cuộc bầu cử cuối năm nay.
Thứ hai, nhiều người kỳ vọng rằng chuyến thăm của ông Suga tới Washington, gặp gỡ ông Biden sẽ giúp hai nhà lãnh đạo xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.
Hai người tiền nhiệm của họ, ông Abe Shinzo và ông Donald Trump, đã củng cố tình thân thông qua sở thích chơi golf, dù là ở New York, Florida hay Tokyo.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Suga và ông Biden sẽ làm gì để nối lại mối quan hệ ấy, từ đó thiết lập lòng tin để cùng nhau tiến về phía trước, giải quyết những bài toán khó.
Chung tay giải quyết
Thứ ba, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ là hai trọng tâm lớn trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
Thực tế cho thấy, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã triển khai hàng loạt hoạt động ngoại giao.
Tháng trước, dù được tổ chức theo hình thức trực tuyến, song cuộc họp lãnh đạo Bộ tứ (Quad) đầu tiên dưới thời ông Biden đã mang tới một số kết quả thực chất như thống nhất về “ngoại giao vaccine”, thiết lập nhóm làm việc về biến đổi khí hậu và công nghệ mới.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã dự Hội nghị 2+2 tại Tokyo và Seoul. Đáp lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã thăm Washington và gặp gỡ đồng cấp nước chủ nhà Jake Sullivan.
Chuyên gia Mireya Solis của Viện Nghiên cứu Brookings nhận định “cơn bão ngoại giao” này cho thấy Tokyo và Washington đang tỏ ra sẵn sàng hơn bao giờ hết cho nỗ lực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là về Trung Quốc.
Tokyo đã gây sửng sốt khi chỉ đích danh Trung Quốc gây bất ổn trật tự quốc tế, thậm chí đề cập Eo biển Đài Loan trong tuyên bố chung Hội nghị 2+2 tháng 3.
Mới đây, ngày 5/4, điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã quan ngại sâu sắc về các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, đặc biệt là hành động xâm nhập vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của các tàu hải cảnh Trung Quốc và Luật hải cảnh mới của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, tìm kiếm đồng thuận trong chính sách với Trung Quốc chắc chắn sẽ là trọng tâm thảo luận nhân chuyến làm khách tại Washington của Thủ tướng Suga Yoshihide.
Tokyo đã gây sửng sốt khi chỉ đích danh Trung Quốc gây bất ổn trật tự quốc tế, thậm chí đề cập eo biển Đài Loan trong tuyên bố chung Hội nghị 2+2 hồi tháng 3 vừa qua.
Về Triều Tiên, cả hai đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn. Khác với người tiền nhiệm, ông Biden không quá thân thiết với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Còn ông Suga muốn thể hiện thái độ cương quyết với ông Kim Jong-un nhằm phản ứng trước áp lực yêu cầu hồi hương công dân bị Triều Tiên bắt cóc.
Tuy nhiên, ông Biden cần đảm bảo rằng quan hệ hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn không bị gián đoạn bởi căng thẳng Tokyo-Seoul trong nhiều vấn đề, từ lao động cưỡng bức, sách giáo khoa lịch sử tới việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu cho công nghiệp bán dẫn sang Hàn Quốc.
Thứ tư, điểm khác biệt trong cuộc gặp lần này giữa Thủ tướng Suga Yoshihide và Tổng thống Joe Biden so với hai người tiền nhiệm của họ là mối quan tâm dành cho các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.
Về dịch Covid-19, Nhật Bản và Mỹ đã có nhiều năm hợp tác về y tế quốc tế, song hợp tác song phương trong phòng chống dịch đến thời điểm này, dù đó là hỗ trợ cung cấp trang thiết bị y tế tới chia sẻ thông tin, đều chưa đạt kết quả rõ rệt.
Trong bối cảnh đó, Tokyo và Washington có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các nỗ lực đa phương như tài trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giúp ngăn chặn sự lây lan toàn cầu và tiêm chủng cho toàn thế giới trước khi xuất hiện đột biến kháng thuốc.
Về biến đổi khí hậu, Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris và dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu với 40 nhà lãnh đạo thế giới từ ngày 22-23/4.
Còn Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết sẽ đưa Nhật Bản thành nước trung hòa carbon vào năm 2050.
Như vậy, hai bên có thể thảo luận các nỗ lực nhằm khởi đầu các quá trình chuyển đổi năng lượng, dần dần thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Liệu chuyến thăm Washington của Thủ tướng Suga Yoshihide có thể đáp ứng hết những kỳ vọng lớn này hay chăng? Baoquocte.vn sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-nhat-ban-tham-my-tang-ket-noi-cung-phoi-hop-142287.html