Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là 'không chấp nhận mô hình tăng trưởng trước, dọn dẹp sau', tăng trưởng kinh tế phải hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu phát triển bền vững khác.
Phát biểu trên được Thủ tướng nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Hội nghị được chủ trì bởi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với sự tham gia của gần 70 lãnh đạo các quốc gia thành viên và lãnh đạo các tổ chức phát triển quốc tế.
Chủ đề hội nghị năm nay là Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa các bon, hướng tới đẩy mạnh triển khai lồng ghép các mục tiêu xanh, bền vững vào tiến trình phục hồi nền kinh tế đang bị tổn thương bởi những tác động của đại dịch.
Đây cũng là nội dung “xây dựng lại tốt hơn” được nhiều tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB)… đề xuất với các quốc gia trong suốt hơn một năm vừa qua.
Theo tổng thống Moon Jae-in, thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có, bao gồm đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Chính thực tế này đã buộc thế giới phải chung tay hành động, hướng tới phục hồi xanh.
Nguyên thủ Hàn Quốc cam kết tăng cường đóng góp vào các nỗ lực chung, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong công cuộc này, đồng thời thành lập Quỹ chiến lược xanh trị giá 5 triệu USD, đóng góp thêm 4 triệu USD vào cơ chế P4G.
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) là sáng kiến của chính phủ Đan Mạch, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, kết nối chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cùng thảo luận, đưa ra giải pháp thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững hướng tới chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Tại phiên thảo luận cấp cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra 6 giái pháp đặc biệt quan trọng trong thời gian tới.
Đầu tiên, phục hồi xanh, kinh tế xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải được triển khai một cách quyết liệt ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn thế giới, với khuôn khổ chung là các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thứ hai, có lộ trình phù hợp, tính toán về điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia khi tiến hành chuyển đổi xanh. Trong đó, các nước phát triển cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong, đồng thời hỗ trợ về công nghệ, tài chính và thể chế cho các nước đang phát triển, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Thứ ba, xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân. Thúc đẩy hợp tác công – tư, hình thành chuỗi giá trị ngành nghề với, xanh hóa sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.
Thứ năm, đẩy lùi đại dịch Covid-19, tăng cường hỗ trợ cung ứng vắc xin, đồng thời duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì hoạt động thương mại, đầu tư xuyên biên giới một cách an toàn trong bối cảnh đại dịch.
Cuối cùng, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế vì lợi ích chung của nhân loại, đảm bảo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, quyết tâm của Việt Nam là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo phục hồi nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.