Thủ tướng tháo gỡ khó khăn gì để giúp TP.HCM chống dịch?
Nâng cao năng lực xét nghiệm, thí điểm cách ly F1 tại nhà và khoanh vùng ổ dịch theo '3 lớp' là những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính tháo gỡ cho TP.HCM để chống dịch.
Khi số nhiễm tại TP.HCM vượt mốc 3.000 người, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại đây để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong một ngày, ông và đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm khu cách ly, doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và tháo gỡ các vướng mắc cho TP.HCM trên tinh thần “việc gì làm được thì làm ngay”.
Sáng yêu cầu, chiều có 80.000 bộ xét nghiệm nhanh
“Đề nghị chuyển test nhanh từ Hà Nội vào TP.HCM ngay. Làm việc này ngay bây giờ đi”, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 26/6.
Với quan điểm “không nhất thiết phải dùng xét nghiệm PCR” trong mọi trường hợp, Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế đều cho rằng TP.HCM cần tăng cường sử dụng test nhanh. Mục đích là để nâng cao năng lực tầm soát diện rộng, nhanh chóng phát hiện F0 cả trong khu cách ly và ngoài cộng đồng.
“Cứ 3-5 ngày làm một lần rồi vớt tất cả các trường hợp dương tính ra. Đến ngày cách ly thứ 14 mới làm xét nghiệm PCR chứ không nhất thiết phải quá mất công sức vào đó”, Bộ trưởng Long nói với lãnh đạo TP.HCM.
Cũng trong sáng hôm đó, Thủ tướng đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh để yêu cầu công ty sản xuất test nhanh Medicon “có bao nhiêu chuyển cho TP.HCM bấy nhiêu”.
Chỉ hơn 6 giờ sau chỉ đạo của Thủ tướng, khoảng 80.000 bộ xét nghiệm nhanh đã được chuyển vào TP.HCM.
Cũng trong ngày 26/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã ký kế hoạch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát trên toàn TP.HCM trong 10 ngày, từ 26/6 đến hết 5/7. Mỗi ngày, thành phố đặt mục tiêu lấy 500.000 mẫu xét nghiệm, tập trung ở các khu vực có nhiều ca dương tính.
Trước đó, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ 26/5 đến 26/6), TP.HCM đã xét nghiệm tổng cộng hơn 1,1 triệu mẫu. Tức là trung bình mỗi ngày, thành phố mới chỉ lấy được hơn 37.000 mẫu, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mới mà thành phố đặt ra.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM
Cách ly F1 tại nhà là giải pháp được Bộ Y tế nhiều lần gợi ý cho TP.HCM. Thế nhưng, Sở Y tế thành phố mới chỉ dừng lại ở việc xem xét và chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.
Ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu vấn đề các khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM đang có tình trạng quá tải, lực lượng nhân viên y tế có biểu hiện kiệt sức. Ông đề nghị thành phố giải tỏa áp lực cho khu cách ly này bằng cách xem xét cách ly các trường hợp F1 ít có nguy cơ tại nhà.
Trong cuộc làm việc với TP.HCM, Thủ tướng cũng nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Ông dẫn chứng ví dụ tại Bắc Giang, do số người phải cách ly tập trung quá đông nên phải sắp xếp nhiều người một phòng, dùng chung nhà vệ sinh. Do đó, chỉ cần một người nhiễm là cả phòng nhiễm. Đây là lý do khiến số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng rất nhanh.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM đặc biệt lưu ý sắp xếp để mỗi người cách ly một phòng, tối đa là 2 người/phòng, và các phòng có nhà vệ sinh riêng. Ông cũng gợi ý thành phố sử dụng công nghệ để giám sát người cách ly và tạo tâm lý thoải mái cho họ. Thủ tướng nhận định "chìa khóa" trong khu cách ly, khu phong tỏa gồm “một là test nhanh, hai là công nghệ”.
Ngay sau buổi làm việc của Thủ tướng với TP.HCM, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị thành phố xem xét, thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ cũng gửi kèm hướng dẫn điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19.
Khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp"
Trong hơn 30 ngày đợt dịch thứ 4 bùng phát (tính từ 27/5), TP.HCM đã 4 lần phải nâng cấp các biện pháp giãn cách xã hội. Ngày 27/5, thành phố dừng hàng loạt dịch vụ không thiết yếu. Ngày 31/5, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số khu vực theo Chỉ thị 16. Ngày 16/6, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội đợt 2. Ngày 19/6, lãnh đạo thành phố ban hành Chỉ thị 10 – chỉ thị riêng cho TP.HCM nhằm nâng cấp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng. Đỉnh điểm, ngày 25/6, thành phố tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với 667 ca nhiễm trong một ngày (26 ca cộng đồng), gấp 4 lần đỉnh dịch trước đó là 166 ca/ngày (21/6).
Lãnh đạo TP.HCM một lần nữa đứng trước câu hỏi về phương án phòng chống dịch sau đợt giãn cách xã hội thứ hai.
Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 26/6, Thủ tướng lưu ý bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp”: Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Ông nhận định tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để ưu tiên tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch. Có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này.
“Ngay TP.HCM vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch. Nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng quán triệt.
Ông lưu ý TP.HCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài các ca bệnh trong khu cách ly, ông lưu ý TP còn một số ca mắc không rõ nguồn lây. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải xét nghiệm diện rộng hơn để truy vết. Xét nghiệm nhanh hơn, thần tốc hơn trong vùng có dịch, khu cách ly, khu phong tỏa.
"Mạnh dạn nhưng thận trọng khi tiến hành thí điểm tự xét nghiệm vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, phải tuân thủ quy định, quy trình rất nghiêm ngặt", Thủ tướng nhắc nhở.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP.HCM thực hiện các chỉ đạo về giãn cách, phong tỏa, cách ly một cách linh hoạt, không theo địa giới hành chính mà theo tình hình dịch tễ. Đồng thời, các tỉnh phía Nam cần phối hợp liên vùng trong cung cấp thông tin, truy vết. Khi chưa rõ thông tin, căn cứ cụ thể thì có thể giãn cách diện rộng nhưng phải nhanh chóng điều tra, truy vết để thu hẹp phạm vi phong tỏa, cách ly gọn nhất có thể, kiểm soát chặt chẽ bên trong.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông yêu cầu tổ chức xe đưa đón công nhân theo tuyến cố định, ăn ở tại chỗ theo tinh thần “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Đồng thời, TP.HCM và các tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng các chợ đầu mối theo quy định.