Thủ tướng yêu cầu kiểm tra nghi vấn có sự thao túng giá thịt lợn

Có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh thị trường đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá?

Dù thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn tăng mạnh, "cầu" giảm, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, chủ động thực hiện các giải pháp và xử lý theo thẩm quyền để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn.

Trước đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn gửi Thủ tướng và các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát dưới 4%, bằng mọi biện pháp phải kéo giá thịt lợn hơi xuống mức hợp lý.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng chủ trương tái đàn là đúng đắn nhưng với 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ, chiếm đến 65% thị phần, dễ rơi vào tình trạng tái đàn tự phát, tâm lý số đông, dễ gặp rủi ro nếu không có vai trò dẫn dắt, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Tình trạng giá thịt lợn tăng cao được cho là mất cân đối cung cầu, song hiện vẫn chưa rõ số liệu về cung cầu. Có một nghịch lý là dù thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, "cầu" giảm, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài cho đến nay.

Nhiều ý kiến cho rằng do khâu trung gian nên giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Tuy nhiên, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng chưa chỉ ra được khâu trung gian nào không hợp lý để từ đó có giải pháp.

Các doanh nghiệp lớn đã cam kết giảm giá bán, song tình hình thực tế vẫn không giảm, tiểu thương khó tiếp cận nguồn hàng lợn hơi có giá 70.000 đồng, đặt ra câu hỏi có hay không việc doanh nghiệp hạn chế nguồn cung để tạo ra khan hiếm giả tạo?

Trên cơ sở đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan cần kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt heo vẫn cao. Dù không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên, Hội đặt ra câu hỏi có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh thị trường đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá? Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi?

Cần minh bạch thông tin đảm bảo thực hiện quyền giám sát, trong đó yêu cầu tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Bảo đảm minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.

Các bộ ngành liên quan dự báo đúng cung - cầu thị trường, cập nhật giá và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước theo tuần, thị trường quốc tế theo tháng, công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện thông tin đại chúng.

Hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, chống buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm xã hội, có biện pháp giảm giá thịt lợn hơi xuống như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và cuối cùng là giảm giá bán lẻ thịt xuống mức hợp lý.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-yeu-cau-kiem-tra-nghi-van-co-su-thao-tung-gia-thit-lon-post82202.html