Thư viện thời 4.0

Với sự phát triển của công nghệ 4.0, nhiều người cho rằng vị trí và chức năng của thư viện sẽ nhạt nhòa trong mắt bạn đọc truyền thống. Thế nhưng, theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã có gần 6 triệu lượt người sử dụng, trong đó số lượt truy cập website tìm kiếm thông tin là hơn 5,8 triệu người. Để bạn đọc không 'quay xe', những người làm công tác thư viện đã và đang chủ động 'chuyển mình' đáp ứng nhiệm vụ mới.

Số hóa từng trang sách

Hơn 20 năm gắn bó với Thư viện tỉnh, các chị Hàn Thị Thuần, Lê Thị Lý trước đây chỉ quản lý sách và tài liệu giấy. Nhưng từ năm 2021 đến nay, nhất là khi thực hiện số hóa thư viện, công việc của các chị nhiều hơn. Ngoài tiếp đón, hỗ trợ tìm kiếm, làm thủ tục mượn - trả sách cho bạn đọc trực tiếp đến thư viện, các chị còn phải chủ động học hỏi để giải quyết các tình huống liên quan đến quản lý và hỗ trợ người dùng trong môi trường thư viện thông minh.

Chị Thuần cho biết, sự khác biệt giữa thư viện truyền thống và hiện nay rất rõ ràng. Trước đây, khi bạn đọc đến thư viện phải tự tìm tư liệu ở các kho, thì hiện nay chỉ cần bạn đọc cung cấp tên sách, tác giả, tôi có thể giúp tìm trên hệ thống nhanh và chính xác hơn. Thậm chí nếu tài liệu đó đã được số hóa, tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc truy cập vào địa chỉ trang web mà không phải đến thư viện.

Thư viện tỉnh Bình Phước tổ chức xe thư viện lưu động phục vụ học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông

Thư viện tỉnh Bình Phước tổ chức xe thư viện lưu động phục vụ học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông

Cùng dãy làm việc, chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, người làm công tác số hóa thư viện vẫn hằng ngày chăm chỉ số hóa từng trang sách để làm đầy thêm kho dữ liệu điện tử của Thư viện tỉnh. Theo chị Hương, mỗi năm trung bình Thư viện tỉnh số hóa khoảng 200 tên sách, nhan đề, tương đương khoảng 130.000 trang sách. Sau hơn 3 năm thực hiện số hóa tài liệu, từ năm 2021 đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa hơn 534.000 trang tài liệu ở nhiều lĩnh vực, như: Địa chí Bình Phước, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; lịch sử, địa lý; nông nghiệp, công nghiệp, y học; thiếu nhi; sách nói… phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập nâng cao tri thức của người dân trên địa bàn.

Trong môi trường thư viện hiện đại, để giá trị của thư viện được nâng cao và không đánh mất vai trò của mình, những người làm công tác thư viện ở Bình Phước đang chủ động thích nghi với vai trò và nhiệm vụ mới. Họ không đơn thuần là người quản lý tài liệu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dùng tiếp cận tri thức thông qua công nghệ, tương lai là cầu nối giúp người dùng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên số.

Sách đi tìm người đọc

Với phương châm “Sách đi tìm người đọc”, từ đầu năm đến nay, xe thư viện lưu động (Thư viện tỉnh) đã tổ chức hàng chục chuyến phục vụ tại các trường học, ưu tiên những trường ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tại các nơi đến, xe thư viện lưu động luôn nhận được sự quan tâm của học sinh. Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngân, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Quang Minh, thị xã Chơn Thành chia sẻ: Trường có 80% học sinh dân tộc thiểu số nên các bạn nhỏ rất hứng thú với mô hình đọc sách xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Vì xe lưu động tuy nhỏ, gọn nhưng có nhiều sách mới. Hơn nữa, khi xe lưu động về trường thì các em được tập trung vào một thời gian cố định, được đọc sách cùng bạn bè, thậm chí cán bộ thư viện còn tổ chức trò chơi đố vui có thưởng nên tạo cho các bạn nhỏ không khí vui vẻ…

Giờ đọc sách tại thư viện của học sinh Trường tiểu học Tân Khai A (huyện Hớn Quản)

Giờ đọc sách tại thư viện của học sinh Trường tiểu học Tân Khai A (huyện Hớn Quản)

Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A tại ngày hội đọc sách do trường tổ chức

Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A tại ngày hội đọc sách do trường tổ chức

Song song đó, Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều đợt luân chuyển tài liệu về cơ sở với số lượng lên đến hơn 11.000 bản sách. Ngoài luân chuyển định kỳ 6 tháng/lần đến trường học thuộc các huyện, thị xã: Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đốp, Thư viện tỉnh còn luân chuyển sách đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (huyện Hớn Quản), tủ sách quán cà phê Ngẫm (TX. Chơn Thành)… Việc luân chuyển hiện nay được triển khai thí điểm ở 5 trường học/huyện, thị xã, trong đó các trường học phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí như: có hoạt động thư viện, người phụ trách, giá tủ trưng bày sách và cam kết cho mượn.

Đọc sách tại quán cà phê Ngẫm (TX. Chơn Thành) - nơi được Thư viện tỉnh luân chuyển sách hằng năm

Đọc sách tại quán cà phê Ngẫm (TX. Chơn Thành) - nơi được Thư viện tỉnh luân chuyển sách hằng năm

Ngoài ra, năm nay Thư viện tỉnh còn bổ sung 5.725 bản sách, nhận được nguồn sách từ các nhà xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các tổ chức tặng (khoảng 2.000 cuốn), nâng tổng số sách Thư viện tỉnh hiện có lên 166.518 bản.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 0,16 bản sách/người dân. Trong khi chỉ tiêu thư viện đưa ra phấn đấu đạt bình quân 0,5 bản sách/người dân. 9 tháng năm 2024, trung bình mỗi người dân Bình Phước chỉ đọc 0,06 bản sách, tỷ lệ này là quá thấp so với kế hoạch. Vì vậy, Thư viện tỉnh đã chủ động mở rộng đối tượng và địa bàn luân chuyển sách; tích cực quảng bá, hướng dẫn độc giả khai thác hiệu quả thư viện số, đổi mới phương thức hoạt động xe thư viện lưu động.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Bích, Giám đốc Thư viện tỉnh, thư viện hiện có 12 biên chế, so với các tỉnh, thành khác chỉ bằng 50% quân số. Với số lượng nhân sự này hằng năm chỉ phục vụ tối đa 50 buổi thư viện lưu động và các sự kiện khác. Thời gian qua, để đảm bảo sử dụng hết công suất của xe lưu động, Thư viện tỉnh phải bố trí nhân viên kiêm nhiệm công việc. Khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn càng lớn hơn khi theo Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 7-5-2024 của UBND tỉnh, quy định cơ cấu tổ chức và số lượng người làm việc của Thư viện tỉnh không tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc thư viện; thực hiện mô hình lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp viên chức tham mưu giúp việc.

Theo xu hướng, thư viện hiện nay đã mở rộng chức năng. Ngoài thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần, thư viện sẽ trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, dữ liệu, kiến thức. Không chỉ tồn tại dưới những bản sách, báo, thư viện tương lai sẽ là nơi giúp người đọc tiếp cận kiến thức vượt phạm vi của các bức tường thư viện. Vì vậy, ngoài chủ động tiên phong đổi mới mạnh mẽ hơn để xây dựng nguồn thông tin phong phú, Thư viện tỉnh cần có thêm những giải pháp về công nghệ, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thêm sức sống cho thư viện thời 4.0.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/163456/thu-vien-thoi-4-0