Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình tiết kiệm điện

Nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế thay đổi, dịch chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm, tối ưu thiết bị nhằm đồng hành với ngành điện thực hiện tiết kiệm điện.

Công ty điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 về tiết kiệm điện, từ đầu năm 2024 trên cơ sở danh sách khách hàng quan trọng, ưu tiên cấp điện năm 2024 đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã lập các phương thức vận hành hệ thống điện.

Đại diện Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế làm việc với các doanh nghiệp về chương trình tiết kiệm điện năm 2024 (Ảnh: DH)

Đại diện Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế làm việc với các doanh nghiệp về chương trình tiết kiệm điện năm 2024 (Ảnh: DH)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết: Trong bối cảnh thời tiết ảnh hưởng cực đoan từ các hiệu ứng El-Nino, gây nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài trong thời gian tới, việc đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trên địa bàn, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được công ty chú trọng. Trong đó, đặc biệt chủ động sớm triển khai rộng rãi các giải pháp tiết kiệm điện và chủ động nắm bắt thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh của các nhà máy vào các tháng mùa khô năm 2024.

Làm việc tại các doanh nghiệp, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã chủ động thông tin về những giải pháp, nỗ lực, cũng như các kế hoạch của ngành điện trong việc đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho các khách hàng sản xuất kinh doanh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành điện cần sự đồng hành, chung tay và sự phối hợp đến từ phía khách hàng, nhà máy sản xuất công nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Theo đó, các khách hàng cần thay đổi thói quen sử dụng, chế độ ca kíp và chủ động xây dựng lại kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết thêm, qua các buổi làm việc, các khách hàng, doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cam kết sử dụng điện không vượt quá mức công suất tối đa trong các khung giờ cao điểm của hệ thống, thể hiện sự đồng thuận cao đối với chủ trương tiết kiệm điện, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Thừa Thiên Huế thay đổi thiết bị chiếu sáng bằng bóng đèn Led, thay đổi dây ca làm việc từ giờ cao điểm sang thấp điểm (Ảnh: NT)

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Thừa Thiên Huế thay đổi thiết bị chiếu sáng bằng bóng đèn Led, thay đổi dây ca làm việc từ giờ cao điểm sang thấp điểm (Ảnh: NT)

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần MIKADO miền Trung (địa chỉ KCN Phú Bài, Thừa Thiên Huế) cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp sử dụng từ 3-3,5 tỷ tiền điện. Về thực hiện chương trình tiết kiệm điện thì công ty luôn đồng hành với ngành điện tiết giảm về sản lượng, cũng như cam kết điều chuyển dây chuyền sản xuất vào giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Đồng thời, công ty tối ưu lại các thiết bị, máy móc cũ, đưa ra phương án hoạt động hiệu quả nhất để tiết kiệm điện, giảm bớt chi phí tiền điện cho doanh nghiệp.

Ông Lê Viết Thảo - Trưởng phòng điều hành sản xuất Công ty Sợi Phú An (Phú Bài) cho biết, thời tiết ngày càng cực đoan nhưng với tinh thần chia sẻ khó khăn với ngành điện, doanh nghiệp đã thỏa thuận với ngành điện triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm điện, hạn chế chạy máy những giờ cao điểm, cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị chiếu sáng. Theo ông Thảo, trung bình mỗi tháng công ty sử dụng khoảng 4 tỷ tiền điện, tuy nhiên sau khi triển khai các giải pháp tiết kiệm điện thì công ty giảm tiền điện mỗi tháng từ 60 – 100 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền) là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống dây chuyền sản xuất là các máy móc có công suất cao, tiêu thụ lượng lớn điện năng, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 10 triệu kWh.

Ông Nguyễn Văn Nhật Hoàng - Quản đốc nhà máy cho biết: Trong các năm qua, hưởng ứng các chương trình tiết kiệm điện do Nhà nước vận động, công ty đã dần tối ưu, thay đổi các thiết bị sử dụng của nhà máy, nhằm đảm bảo nhà máy vận hành theo hướng tiết kiệm điện, hướng đến đầu tư máy móc bằng công nghệ tiết kiệm điện.

Tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học tại TP. Huế (Ảnh: DH)

Tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học tại TP. Huế (Ảnh: DH)

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch với mục tiêu phân đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Giảm bớt tổn thất điện năng với hệ thống điện trên địa bàn tỉnh xuống dưới 6% vào năm 2025.

Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR). Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn Led.

Để thực hiện việc tiết kiệm điện có hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan triển khai 3 phải pháp chính: Giải pháp về cải thiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; giải pháp về công nghệ - kỹ thuật phục vụ tiết kiệm điện và giải pháp về triển khai ứng dụng mô hình quản lý sử dụng điện tiết kiệm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-doanh-nghiep-dong-hanh-cung-chuong-trinh-tiet-kiem-dien-321694.html