Thừa Thiên Huế: Nguy cơ tai nạn điện do khai thác rừng trồng tùy tiện

Thời gian gần đây, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tình trạng người dân chặt cây, khai thác thu hoạch rừng trồng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) diễn ra phổ biến, liên tục làm cây ngã đổ vào lưới điện gây nhiều sự cố và tiềm ẩn nguy hiểm tai nạn điện đối với người dân.

Chủ rừng khai thác keo tràm gây sự cố lưới điện ngày 5/1 tại xã Xuân Lộc - huyện Nam Đông

Chủ rừng khai thác keo tràm gây sự cố lưới điện ngày 5/1 tại xã Xuân Lộc - huyện Nam Đông

Theo báo cáo từ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế), từ quý IV năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ vi phạm do người dân chặt cây, khai thác rừng trồng gây ra, làm mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, 22/41 vụ đã xác định được đối tượng, số còn lại không xác định vì sau khi xảy ra sự cố người dân đã bỏ trốn. Đối với các vụ xác định được người vi phạm, PC Thừa Thiên Huế phối hợp với chính quyền địa phương ra quyết định xử phát theo quy định của pháp luật, trong đó xử phạt cảnh cáo 14 trường hợp, phạt tiền 1 trường hợp của chủ rừng tại xã Nhâm, huyện A Lưới (1 triệu đồng), các trường hợp còn lại đang thụ lý hồ sơ chờ xử lý.

Ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, các văn bản quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực rất cụ thể, rõ ràng (Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện và Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân, thì ngành điện rất khó để xử lý dứt điểm vấn tình trạng này, ông Phúc cho biết thêm.

Theo ông Phúc, thời gian qua, nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân, cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ sản xuất, đời sống, văn hóa, an ninh... PC Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp như phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện qua các hình thức phát văn bản, tờ rơi, đài phát thanh…đến từng người dân. Bên cạnh đó, ngành điện kịp thời phát hiện và khai báo với chính quyền địa phương về các trường hợp vi phạm, thực hiện đặt biển cảnh báo tại các chân trụ điện đi qua khu vực rừng trồng cùng với số điện thoại hotline và sự nguy hiểm khi cây ngã đổ vào đường dây để chủ rừng và những người khai thác phối hợp với ngành điện trong việc chặt cây.

PC Thừa Thiên Huế phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản một trường hợp vi phạm hành lang lưới diện cao áp

PC Thừa Thiên Huế phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản một trường hợp vi phạm hành lang lưới diện cao áp

“Tuy nhiên, bên cạnh một số ít người dân, chủ rừng trồng đã có ý thức, nhận thức được về mối nguy hiểm về điện, đã gọi điện báo, phối hợp với Điện lực để chặt cây, thu hoạch rừng trồng nhằm đảm bảo an toàn cho con người và lưới điện. Thì còn nhiều chủ rừng khi khai thác cây vẫn tùy tiện, không thực hiện nghiêm các quy định, một phần do hạn chế về ý thức chấp hành của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Khi đến mùa thu hoạch cây, người dân chặt hạ cây mà không thông báo phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự cố thì các chủ rừng tự động thu dọn, bỏ trốn, cố tình che giấu hành vi vi phạm của mình”. Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Theo PC Thừa Thiên Huế, để hạn chế tình trạng khai thác cây rừng làm ảnh hưởng đến HLATLĐCA, thời gian tới, Công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nhằm đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về HLATLĐ để các tổ chức, cá nhân thấy được sự nguy hiểm về tính mạng cũng như tài sản do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; vận động nhân dân chia sẻ để cùng phối hợp với nhân viên điện lực chặt tỉa cây đảm bảo an toàn trước khi khai thác, thu hoạch rừng. Đặc biệt là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, từ đó tạo tính răn đe cũng như tính lan tỏa để tăng nhận thức của người dân, đặc biệt là các chủ rừng.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-nguy-co-tai-nan-dien-do-khai-thac-rung-trong-tuy-tien-132753.html