Thừa Thiên Huế thả về tự nhiên hàng loạt cá thể động vật quý hiếm

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp thả về tự nhiên hàng chục cá thể động vật quý hiếm do người dân phát hiện giao nộp.

Thả về tự nhiên nhiều cá thể động vật quý hiếm

Ngày 20/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, người dân tiến hành giao nộp 61 cá thể động vật hoang dã quý hiếm.

Trong đó, có 17 cá thể động vật thuộc nhóm IB như tê tê ja va, cu li nhỏ, rùa hộp trán vàng miền trung, kỳ đà vân; 37 cá thể nhóm IIB như rùa núi viền, khỉ mốc, trăn đất, khỉ mặt đỏ, rùa núi vàng, trăn gấm, khỉ đuôi lợn…

Lực lượng chức năng tiếp nhận cá thể động vật.

Lực lượng chức năng tiếp nhận cá thể động vật.

Bên cạnh tiếp nhận, thả về tự nhiên các cá thể động vật quý hiếm, lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện 27 vụ việc vận chuyển, mua bán, kinh doanh lâm sản trái phép… qua đó xử phạt tổng số tiền 322,3 triệu đồng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, dù có hạn chế, tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến và quảng cáo trái pháp luật động vật hoang dã.

Trước thực trạng này, các lực lượng tiến hành kiểm tra đột xuất tại một số nhà hàng, phát hiện nhiều hành vi tàng trữ động vật. Đồng thời, thực hiện đẩy đuổi nhiều trường hợp vào rừng săn bắt động vật, gỡ nhiều bẫy thú rừng.

Tháo gỡ bẫy chim trời.

Tháo gỡ bẫy chim trời.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, bên cạnh việc tuần tra, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc không nên săn bắt, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, quý hiếm.

Đặc biệt, hiện nay, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng triển khai việc kiểm tra, truy quét, nhằm tháo gỡ thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trời trái phép.

Du lịch không ăn thịt rừng

Chia sẻ tại chiến dịch "Truyền thông sáng tạo - Du lịch không thịt rừng" do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị tổ chức, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, Việt Nam được xếp là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nguyên nhân chủ yếu do con người tạo ra.

Nhiều loài động vật suy giảm đáng kể về mặt số lượng, quần thể, một số loài khó có thể bắt gặp trong môi trường tự nhiên và đang phải đối mặt với nguy có tuyệt chủng rất cao như loài Sao la - một biểu tượng Kỳ lân châu Á.

Chiến dịch "Truyền thông sáng tạo - Du lịch không thịt rừng" vừa được tổ chức ngày 19/10.

Chiến dịch "Truyền thông sáng tạo - Du lịch không thịt rừng" vừa được tổ chức ngày 19/10.

"Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã và phát triển du lịch bền vững trở thành ưu tiên của toàn cầu, việc nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng là vô cùng cấp thiết", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, thịt rừng không chỉ là nguồn gốc của nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép, mà còn là nguyên nhân gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người. Sự suy giảm đa dạng sinh học không chỉ ảnh hưởng đến thiên nhiên, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển lâu dài của ngành du lịch.

"Với thông điệp "Truyền thông sáng tạo - Du lịch không thịt rừng" hy vọng sẽ tạo ra một phong trào mạnh mẽ, khuyến khích mọi người, đặc biệt du khách, lựa chọn những hình thức du lịch thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, tôn trọng những giá trị của hệ sinh thái", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm mong muốn phong trào "Du lịch không thịt rừng" sẽ góp phần xây dựng hoạt động du lịch tại Thừa Thiên Huế luôn xanh, sạch và bền vững. Góp phần trong kế hoạch tổ chức không gian, phát triển tỉnh theo mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thua-thien-hue-tha-ve-tu-nhien-hang-loat-ca-the-dong-vat-quy-hiem-169241020084527523.htm