Thừa - thiếu lao động cuối năm: Bài toán nan giải

Thời điểm này, thị trường lao động diễn ra nghịch lý nơi mờ mắt tìm lao động, nơi phải cắt giảm, giãn việc làm cho công nhân do sụt thiếu đơn hàng.

Công nhân Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam mong công việc sớm ổn định trở lại

Công nhân Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam mong công việc sớm ổn định trở lại

Công nhân nơi vui, nơi buồn

Nhiều tháng nay, chị Phạm Thị Hoa làm tại bộ phận chất lượng của Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam (Cẩm Giàng) không khỏi lo lắng vì lương thấp, chị không dám nghĩ đến việc Tết này về quê sắm sửa gì cho bố mẹ.

Chị Hoa quê ở Hưng Yên, nhiều năm làm việc tại công ty nhưng chưa năm nào chị cảm thấy khó khăn như hiện nay. “Thời điểm dịch Covid-19 chúng tôi còn làm không hết việc. Tưởng rằng dịch bệnh qua đi, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, công việc cũng ổn định hơn. Ai ngờ, nhiều tháng giãn việc, lương thấp, đời sống khó khăn theo”.

Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Tuy nhiên từ tháng 4 đến nay, nhu cầu sử dụng hàng điện tử phía đối tác giảm hẳn khiến cho việc làm, doanh thu của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Từ tháng 7 đến nay, mỗi tháng toàn bộ công nhân phải nghỉ làm từ 6-8 ngày do không có việc. Những ngày nghỉ, công nhân được hưởng 70% lương cơ bản. Doanh nghiệp không cắt hợp đồng với lao động nào và rất muốn người lao động gắn bó, chia sẻ cùng nhưng mỗi tháng vẫn có một số lao động xin nghỉ việc do thu nhập thấp.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, đến hết ngày 15.12, có khoảng 26.000 lao động ở 14 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 24.000 lao động bị giảm, giãn việc làm; còn lại là dừng việc, chờ việc, cắt hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dệt may, điện tử, da giày. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, khách hàng hủy đơn hàng. Số đơn hàng mới không nhiều và giá trị không cao.

Dù vậy nhưng qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương cũng có rất nhiều nơi lao động phải tăng ca, làm không hết việc. Chị Trần Thị Hiền, công nhân may của Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam cho biết: “Tôi vẫn có việc làm đều, tăng ca 2 tiếng/ngày. Kể cả khi có dịch hay bây giờ, công ty đều bảo đảm việc làm ổn định cho công nhân”. Doanh nghiệp này cũng đang đăng thông tin tuyển dụng nhiều lao động vì gần Tết đơn hàng tăng và thời gian giao hàng cũng gấp gáp.

Chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shints BVT cho biết do nhiều việc nên công ty vẫn đang tuyển công nhân, đặc biệt là công nhân thời vụ. Doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng gia công với nhiều xưởng may cho kịp đơn hàng.

Sớm cân bằng thị trường lao động

Để thay đổi tình trạng trên, các chủ doanh nghiệp đã tích cực xoay xở tìm kiếm thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chị Lê Thị The, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam cho biết hiện doanh nghiệp đang kết nối với một số đối tác mới để tạo việc làm ổn định cho công nhân.

Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định chưa năm nào người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nhiều như năm nay. Nguyên nhân sâu xa của việc này do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới. Những năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có lúc NLĐ phải nghỉ việc nhưng họ vẫn có lương đầy đủ, giờ không có việc làm, không có lương, đời sống khó khăn, đặc biệt là những công nhân thuê trọ. Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu dẫn đến sự chênh lệch, mất cân bằng trên thị trường lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, hỗ trợ NLĐ như yêu cầu các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường nắm bắt tình hình việc làm, đời sống đoàn viên, NLĐ. Công đoàn cấp trên cơ sở khẩn trương tổng hợp những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của NLĐ để báo cáo Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đối với những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp giữ việc làm cho NLĐ, nhất là lao động mang thai, đang nuôi con nhỏ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Đối với doanh nghiệp có dấu hiệu phát sinh xung đột, mâu thuẫn, công đoàn phối hợp các ngành chức năng có giải pháp kịp thời, bảo đảm quyền lợi NLĐ. Tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động bị mất việc, chăm lo NLĐ trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát, nắm bắt danh sách doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, không bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho NLĐ để phối hợp chính quyền địa phương sớm có giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có các hoạt động chăm lo đời sống, việc làm để trước mắt NLĐ có thể đón một Tết Nguyên đán ấm áp. Liên đoàn Lao động đề nghị các tổ chức, đoàn thể địa phương tích cực vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho NLĐ.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ khi họ mất việc làm, tạo điều kiện cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng, thuận lợi. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tăng cường thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho NLĐ; tăng cường các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới NLĐ và doanh nghiệp.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/thua---thieu-lao-dong-cuoi-nam-bai-toan-nan-giai-222407