Thuận theo đường trời

Nhà thơ Trần Quang Đạo đạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2019-2020, với tập thơ 'Bay trong mơ'. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay Lễ trao giải được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đó là một sự ghi nhận sáng tạo văn chương và khích lệ ông trên con đường sáng tác tiếp theo.

Lạc quan vượt qua bệnh tật

Tập thơ “Bay trong mơ” ra đời năm 2019, cách tập trước đó đến hơn mười năm. Theo Trần Quang Đạo, có một thời gian do công việc làm báo, quản lý nên chuyện sáng tác bị sao nhãng. Phần nữa cũng vì do thơ “mất giá” nên ông viết chậm lại. Chậm lại, cũng với một lí do khác là ông muốn lắng lại mình để tìm cách viết, cách sáng tạo khác cho sự đổi mới thơ của mình. Trần Quang Đạo chia sẻ: “Tập thơ “Bay trong mơ” tôi viết theo cách bán truyền thống - có nghĩa là hồn vía, cảm xúc thơ vẫn là hồn vía, cảm xúc truyền thống từ những thi liệu, ngôn ngữ dân tộc, nhưng cách biểu đạt khác. Tôi gần như tước bỏ nhạc điệu từ vần, mà tạo lập nhạc điệu qua nhịp được tạo từ tâm hồn cho câu thơ, đoạn thơ. Tôi để mạch nghĩ đứt đoạn, bắt người đọc phải chắp nối. Tôi bỏ nhỏ câu chữ để tạo vần, tạo nghĩa như cách bỏ nhỏ âm của ca sĩ trong xử lý câu hát để tạo sự mới mẻ cho thơ, nhằm xoáy sâu ý vào cảm nhận của bạn đọc. Đây là tập thơ tôi viết trong cơn đau, trong những lúc ở bệnh viện, hay khoảng thời gian chờ nhập viện. Cảm xúc đến là tôi viết ngay. Và hoàn chỉnh bài thơ luôn, chứ không phải để đó chỉnh sau như trước kia”.

Nghe ông nói đến đây, tôi hơi chùng xuống. Nhưng Trần Quang Đạo cười bảo, bản thân không hề nghĩ mình có bệnh, nên cứ vui đã. Cứ làm thơ, mang những câu thơ băng bó và xoa dịu bệnh tật. Thực sự, chẳng ai có thể đi tắt qua bệnh tật, nhưng có nhiều thi sĩ đã dùng thơ để vượt qua nó. Trần Quang Đạo ít khi ốm vặt. Nhưng đã ốm là ốm “ra trò”.

Nhà thơ kể, hồi học lớp 4 bị một trận đau kiết lỵ, suýt chết. Mọi người tụ tập đã khóc lóc thảm thiết. Lúc đó có một lương y cổ truyền được mời đến “còn nước còn tát”. Ông lấy một cục đất dưới bếp lửa đang đun, cho vào nước làm nước sủi lên, đợi nước âm ấm, cạy miệng cho uống. Cậu bé Đạo nuốt vào, rồi tỉnh, sau đó khỏi. Đến mãi năm 62 tuổi thì bị ông bị bệnh hiểm. Nhà thơ Trần Quang Đạo chia sẻ: “Tôi thấy thỉnh thoảng có đau vùng bụng gần rốn, nên nghĩ mình hay nhậu, có khả năng viêm đại tràng. Tôi liền mua thuốc đông y đại tràng uống, không thấy đỡ. Khi thấy đau nặng lên, đi khám thì phát hiện bị u trực tràng. U to, theo lời khuyên của bác sĩ là phải mổ luôn. Mổ xong, truyền hóa chất. Một lần nữa tôi lại chủ quan, không kiêng cữ gì, lại lười uống thuốc. Thế là bệnh chạy lên gan. Lại mổ. Lần này bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ và truyền hóa chất tốt hơn”.

Hiện nay Trần Quang Đạo vẫn đang trong liệu trình điều trị. Dù khối u đã hết, nhưng tế bào u trong cơ thể có thể vẫn còn. Chính ông cũng hiểu, nếu có cơ hội những tế bào u “lưu lạc” có thể trỗi dậy và tái phát bệnh. Vì thế ông đang hết sức cẩn thận, không chủ quan. Song nhà thơ cố gắng vượt qua bệnh tật bằng sự lạc quan, luôn vui vẻ, yêu đời, bỏ qua những “tham, sân, si” để lòng bình an. Ông ưu tiên chơi với người trẻ, đồng thời vẫn đọc và viết đều. Mấy năm nay ông còn vẽ nữa. Mỗi khi vẽ, ông thấy mình được giải tỏa. Những sắc màu làm ông say, đắm đuối với cuộc sống. Thấy cuộc sống thăng hoa những điều tốt đẹp. Thêm nữa, ông cũng chơi thể thao đều đặn, rèn luyện sức khỏe. Nghệ thuật và thể thao giúp ông vững tâm rất nhiều.

“Tôi cứ vui sống, say sưa làm việc, thực hiện những dự án của mình và đi theo con đường trời đã định sẵn thôi”, Trần Quang Đạo mỉm cười nói.

Hết mình với cuộc đời

Nhà thơ Trần Quang Đạo là người cần mẫn sáng tạo. Ông đã xuất bản tiểu thuyết, thơ, phê bình, nhưng thơ mới là thế mạnh của ông. Thơ đến với ông muộn, mãi 22 tuổi ông mới làm thơ. Nhà thơ tâm sự: “Khi còn học phổ thông, tôi ước mơ thi vào Trường Đại học Bách khoa. Khi đi lính, ước mơ của tôi do điều kiện hoàn cảnh đã thay đổi. Tôi ước muốn được làm nhà báo để đi đây đi đó để viết báo làm thơ thỏa sức. Tôi đã thực hiện được ước mơ đó. Tôi chuyên chú vào đọc sách văn học. Đọc rồi vỡ lẽ, “à văn thơ là thế này đây”. Và tôi nghĩ: Nếu viết thế này thì mình cũng viết được. Thế là tôi làm thơ. Tôi gửi thơ đi là được in liền. Nhuận bút cũng khá. Thế là đâm ra say mê. Tôi gửi thơ đi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Họ in luôn. Và ngay bài thơ thứ ba được in ở cuộc thi thơ năm 1983 - 1984 tôi đã đoạt giải Ba cùng Nguyễn Quang Thiều, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Tấn Việt… Dù say mê thơ, nhưng tôi lại in tập tiểu thuyết đầu tay “Mối tình chưa hôn lễ” trước, vào năm 1990. Hồi đó đi trại viết quân đội hơn tháng, tôi viết xong tập tiểu thuyết này”.

Do nhuận bút khá, Trần Quang Đạo liền đầu tư viết văn xuôi. Cuốn thứ hai là “Đêm ảo ảnh”, ông viết xong cũng được in ngay. Lúc đó nhà văn Nguyễn Quang Lập (khi ấy còn công tác tại một nhà xuất bản), trong một cuộc rượu, nói đại ý rằng có đăng ký một cuốn cho một nhà văn viết, có tên là “Những đứa con của trời”, giờ nhà văn đó không viết được. Nguyễn Quang Lập bảo Trần Quang Đạo “có viết thì viết đi, tên đó hay đấy”. Thế là Quang Đạo viết. Rồi đem dự thi. Lại đoạt giải Nhì. Lại cùng giải Nhì với Nguyễn Quang Thiều (tác phẩm “Bí mật hồ cá thần”). Sau đó ông quay lại với thơ. Làm thơ cần mẫn với bao sự chăm chút như chăm chút một đứa con yêu thương, với chất giọng vừa truyền thống vừa cách tân.

Tôi hỏi Trần Quang Đạo, thế nào là một bài thơ hay? Ông bảo, thực ra rất dễ và rất khó trả lời. Dễ, bởi thơ hay là vì nó hay. Khó là khó tìm ra tiếng nói chung, vì gu thưởng thức mỗi người mỗi khác, trình độ mỗi người mỗi khác… thành ra ý của người này không trùng ý người kia, hay là ý số đông. Nhưng cũng có cách để làm cho mọi người chấp nhận được, Trần Quang Đạo lý giải: “Thơ hay phải là thơ có ý tứ hay và mới lạ. Phải hàm súc và có tư tưởng. Thơ hay phải có cách biểu đạt gây cho người ta sững sốt, mới lạ về tu từ; ngôn ngữ có nhiều tìm tòi, sáng tạo; nhịp điệu gây được xúc cảm, gây được “dư chấn” cho tâm hồn người thưởng thức. Thơ hay còn phải là thơ vì nhân dân, đất nước mình, thơ đưa con người hướng thiện, đi tới tương lai tươi đẹp”.

Trong đời, Trần Quang Đạo chơi với nhiều nhà văn, nhà thơ. Ông nể những nhà văn, nhà thơ có tài mà sống gần gũi, giản dị, chân thật, yêu thương gắn bó trước sau như một. Trong những người bạn văn, ông nể Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương… Ông có một nhóm bạn văn chơi với nhau từ rất lâu, gồm: Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… Ông quan niệm, bạn bè chơi với nhau phải vui, chiều chuộng nhau, không tự ái. Người này kích thích người kia sáng tác, làm cho nhau tốt hơn lên. Nhiều nhà văn chia sẻ, Trần Quang Đạo chơi với bạn hết mình, như lột mình ra mà chơi, không tiếc bạn cái gì.

Sẽ vẫn cố gắng

Trần Quang Đạo bắt đầu viết từ 1978. Ông đã xuất bản 11 đầu sách gồm thơ, tiểu thuyết, lý luận phê bình. Ông có 3 lần đạt giải cuộc thi thơ và 2 lần nhận tặng thưởng hằng năm của Tạp chí Văn nghệ quân đội; giải nhì cuộc thi truyện, tiểu thuyết do NXB Kim Đồng tổ chức; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng văn học ASEAN…

Bệnh tật, biết là khó tránh, nên với tư tưởng thoải mái như hiện nay, Trần Quang Đạo sẽ vượt qua. Ông sẽ vẫn cố gắng để thực hiện những dự án của mình. Chuyện đạt Giải thưởng văn học ASEAN cũng như nhiều giải thưởng ông từng nhận là một cú hích cho sự sáng tạo của cá nhân. Ông không thuộc tuýp người hay lăng xê hay đánh bóng tên tuổi. Cứ lẳng lặng làm, lẳng lặng lắng nghe và điều chỉnh. Ông cũng luôn trăn trở và liên tục muốn lột xác, làm mới thi ca của mình. Thế nhưng không ít lúc lại trở về bản chất của người cầm bút là hoang mang, lo lắng cho từng con chữ viết ra, đang viết hoặc chưa viết.

Vui mừng vì nhận được giải thưởng, ông chia sẻ: “Giải thưởng đến với tôi như một nồi nước lá thơm tắm vào lúc giao thừa để đón năm mới. Nó làm cho tâm hồn tôi thanh sạnh. Mọi hoang mang lo lắng trước trang giấy trắng được gột sạch. Tôi nhẹ nhàng, thanh thản viết tiếp. Nó cũng là một cú hích, nó bảo với tôi rằng: Đạo ơi, hãy viết tốt hơn và hay hơn những gì đã có nhé! Và tôi lại hăm hở ngồi vào bàn viết”.

Nguyễn Văn Học

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuan-theo-duong-troi-5672272.html