Thức ăn chăn nuôi vẫn là 'bầu sữa' lợi nhuận chính của Masan Meatlife
Doanh thu mảng thịt và trang trại với các sản phẩm thịt mát thương hiệu MeatDeli của Masan MeatLife cao gấp 5,65 lần năm 2019, mang về nguồn thu 2.378 tỷ đồng.
Doanh thu mảng thịt và trang trại với các sản phẩm thịt mát thương hiệu MeatDeli cao gấp 5,65 lần trong năm 2020.
CTCP Masan MeatLife (mã MML-UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán với kết quả kinh doanh không thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó.
Các chỉ tiêu kinh doanh chính đều tăng trưởng ở mức hai con số và hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 17.038 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 17% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 492 tỷ đồng, riêng phần lợi nhuận hợp nhất của cổ đông công ty mẹ đạt 263 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức đầu năm, doanh nghiệp này từng đặt mục tiêu doanh thu trong khoảng 16.000 - 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ từ 200 đến 500 tỷ đồng.
Hai mảng kinh doanh chính hiện tại của Masan MeatLife là thức ăn chăn nuôi cùng thịt và trang trại. Nguồn thu từ thức ăn chăn nuôi vẫn đóng góp chính vào tổng doanh thu (86%). Dù vậy, mảng thịt và trang trại lại gây ấn tượng khi tăng trưởng tới 460%, mang về nguồn thu 2.378 tỷ đồng. Tỷ trọng mảng kinh doanh này nhờ đó tăng từ chỉ hơn 3% năm 2019 lên 14% trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, Masan MeatLife vẫn thua lỗ ròng hơn 306,9 tỷ đồng ở mảng kinh doanh này, giảm lỗ so với năm trước (389 tỷ đồng). Lợi nhuận Masan Meatlife vẫn dựa chính vào mảng thức ăn chăn nuôi với lợi nhuận sau thuế đạt 949 tỷ đồng.
Chi phí tài chính cùng khoản chi phí bán hàng của doanh nghiệp này đã tăng mạnh so với năm 2019. Khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động bán hàng tăng 37% lên 932 tỷ đồng, tương đương bình quân chi 2,55 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, các hoạt động tăng chi nhiều nhất là dành cho hoạt động quảng cáo khuyến mãi, vận chuyển…
Chi phí lãi vay đã tăng gần gấp rưỡi lên 424 tỷ đồng. Nguyên nhân chính bởi Masan MeatLife tăng vay nợ, đặc biệt qua kênh tín dụng từ các ngân hàng. Các khoản vay, trái phiếu phát hành đến cuối năm 2020 xấp xỉ 6.841 tỷ đồng, từ mức gần 5.000 tỷ đồng năm trước đó. Trong đó, các khoản vay ngân hàng không có tài sản đảm bảo tăng tới 1.000 tỷ đồng. Lãi suất cho các khoản vay này khá thấp, chỉ từ 2,3% đến 6,4%/năm. Hay một khoản vay lớn khác được bổ sung thêm trong năm nay là khoản 788 tỷ đồng vay dài hạn đến năm 2026 với lãi suất 7,6%-8%/năm.
Ở chiều ngược lại, Masan MeatLife cũng đang cho vay công ty mẹ Tập đoàn Masan (150 tỷ đồng) và bên thứ ba (1.140 tỷ đồng) với lãi suất 6,5%/năm.
Một phần nguyên nhân khiến mảng thịt và trang trại của công ty thua lỗ, bởi vẫn đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất. Nhiều công trình xây dựng dở dang đã được hoàn tất trong năm vừa qua, nâng giá trị tài sản cố định thêm 335 tỷ đồng lên 5.198 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Masan MeatLife đạt 17.957 tỷ đồng, tăng gần 3.250 tỷ đồng tron năm 2020. Vốn vay tăng 32% và hiện đã chiếm 52,8% nguồn vốn doanh nghiệp. Không chỉ mở rộng nhà máy sản xuất, doanh nghiệp này còn tăng nhanh quy mô nhân sự từ 3.501 nhân viên cuối năm 2019 lên 4.323 nhân viên vào năm 2020.