Thực chất, hiệu quả hơn nữa

Hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là mặt hàng nông sản không phải bây giờ mới được triển khai mà đã được xúc tiến từ nhiều năm nay. Và hoạt động này ngày càng tỏ rõ tính hiệu quả, mang đến những lợi ích cho nhiều bên, từ nhà sản xuất, doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Hà Nội có tới 10 triệu người sinh sống, là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể... trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được từ 30% đến 65% nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân. Do đó, Hà Nội rất chú trọng việc kết nối tiêu thụ hàng hóa với các địa phương khác. Từ sự liên kết này, người tiêu dùng Thủ đô được hưởng lợi, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác. Từ đó hình thành các chuỗi sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ mới.

Thực tế, trong giai đoạn 2018-2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh, thành phố, với hàng trăm hoạt động giao thương, cung ứng hàng hóa; trên 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Đặc biệt, nhiều tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La... đã đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu sau khi kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội là thị trường có dư địa tiêu thụ nông sản rất lớn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiêu thụ như hiện nay, thì đây còn là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa, giúp nền kinh tế tăng trưởng, phát triển. Vì thế, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa Hà Nội và các địa phương càng đòi hỏi sự thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Theo đó, trong lúc này cần có ngay những giải pháp cấp bách hiệu quả. Muốn vậy, các địa phương khẩn trương nắm bắt nhu cầu về cung - cầu hàng hóa trên thị trường, thông tin kịp thời để doanh nghiệp có kế hoạch tìm nguồn hàng. Mặt khác, chính các doanh nghiệp phân phối cũng phải nhạy bén, chủ động tìm hiểu thị trường để cung cấp được nguồn hàng có chất lượng cao, ổn định mà người tiêu dùng Thủ đô đang cần.

Cùng với đó, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố cần tăng cường trao đổi hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính, vướng mắc trong khâu lưu thông...; tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, tuần lễ bán hàng của địa phương mình trên địa bàn Hà Nội.

Đây cũng chính là những việc cấp thiết sẽ được Hà Nội tiến hành ngay trong thời gian tới (quý III và quý IV năm nay), thể hiện qua việc thành phố sẽ tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp liên kết, giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức các tuần hàng trái cây, nông sản; hội nghị, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa tại Hà Nội để hỗ trợ các địa phương khác tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ...

Để mối liên kết ngày càng bền vững hơn, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông sản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Hà Nội về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, giá thành hợp lý... Mặt khác, chủ động bám sát sản xuất, đón đầu thị trường; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... cũng như chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng tập trung, phát triển luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Với lợi thế ấy, sự hợp tác thực chất, hiệu quả sẽ mở ra cơ hội cho các bên, và trên hết là sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa để góp phần đưa nền kinh tế của Thủ đô cũng như cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/966794/thuc-chat-hieu-qua-hon-nua