Thực chất Thỏa thuận OPEC+ đối với vị thế của Nga

Theo thỏa thuận, Nga sẽ phải cắt giảm sản lượng từ mức 10,3 triệu thùng/ngày (mức thực tế trong tháng 3/2020) xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020; sau đó duy trì sản lượng ở mức 8,9 triệu thùng/ngày đến hết năm.

Như vậy, từ đầu tháng 5/2020, Nga sẽ phải cắt giảm 1,8 triệu thùng, tức 17,5% sản lượng khai thác so với tháng 3/2020. Bên cạnh đó khí ngưng tụ (lượng khai thác xấp xỉ 900.000 thùng/ngày) sẽ không được tính trong cam kết cắt giảm, có nghĩa là Nga sẽ không phải điều tiết việc sản xuất khí đốt thiên nhiên. Nếu các chỉ số của thỏa thuận không thay đổi trong năm 2020 thì khai thác dầu mỏ của Nga sẽ chỉ giảm 12%. Nếu tính đến việc Nga không thực hiện đầy đủ 100% nghĩa vụ theo cam kết, thì Nga sẽ chỉ cần giảm 10% sản lượng. Đây chính là điều kiện cần để phía Nga hoàn thành thỏa thuận.

Tỷ lệ cắt giảm của Nga trong OPEC+ là 18% (khoảng 1,8 triệu thùng). Đây cũng chính là tỷ lệ mà Nga cam kết cắt giảm trong các thỏa thuận OPEC+ trước đó. Ví dụ như trong thỏa thuận OPEC+ tháng 12/2019, Nga đã cắt giảm 300.000 thùng/1,7 triệu thùng, tức 18%. Vì vậy không thể kết luận rằng các đề xuất cắt giảm có sự phân biệt đối xử đối với Nga. Nhìn chung và tổng thể, họ khá công bằng và phân bổ gánh nặng cắt giảm với những người tham gia. KSA cam kết giảm sản lượng xuống cùng mức 8,5 triệu thùng/ngày, mặc dù mốc cắt giảm thấp hơn so với mức sản xuất thực tế.

Việc Nga rời khỏi thỏa thuận OPEC+ ngày 06/3 đã làm suy yếu vị thế đàm phán của Nga và gây thất thoát nguồn thu đối với ngân sách liên bang khi giá dầu tụt dốc. Vài tuần sau, chính quyền Nga đã cho thấy chưa sẵn sàng đối mặt với sụp sụp đổ nguồn thu từ dầu khí. Rõ ràng trong chính sách chống khủng hoảng nhằm hỗ trợ nền kinh tế của Nga đòi hỏi chi tiêu từ chính phủ nhiều hơn. Vì vậy, giữa việc giữ thể diện và bảo vệ túi tiền, Nga đã chọn cách thứ hai. Tuy nhiên việc ra khỏi thỏa thuận ngày 06/3 cũng không gây ra thiệt hại to lớn nào. Các điều kiện về nguồn cung của Nga tương xứng với các thỏa thuận trước đó. Thỏa thuận đổ vỡ trong vòng 1 tháng nên tổn thất tương đối nhỏ.

Vấn đề chính của ngành công nghiệp dầu mỏ Nga là mất thời gian. Mới chỉ vài tuần trước, lãnh đạo các công ty dầu khí Nga còn thông báo sẵn sàng tăng sản lượng và duy trì hoạt động ở bất cứ giá nào. Bây giờ, họ sẽ phải báo tình hình sẵn sàng về mặt kỹ thuật để giảm sản xuất dầu theo thỏa thuận. Tuy nhiên, công suất khai thác của Nga chưa được chuẩn bị để giảm sản xuất nhanh và mạnh đến vậy. Lần cuối cùng sản xuất dầu thô tại Nga giảm hơn 10% là vào năm 1994. Do đó, các công ty dầu khí Nga có thể phải thực hiện một khối lượng khổng lồ tại các mỏ dầu và thay đổi hệ thống thu gom dầu thô.

Đặc trưng trong khai thác dầu tại nga là phần lớn số giếng khai thác (156.000 giếng năm 2018) có tỷ lệ thu hồi dầu thấp. Gần 75% sản lượng khai thác được thực hiện bằng các phương pháp tác động vỉa. Tất cả những phương pháp này gây ra những khó khăn kỹ thuật và tổ chức mà các công ty dầu khí Nga phải đối mặt khi thực hiện nghĩa vụ giảm sản lượng chưa từng có. Hơn nữa, toàn bộ thời gian chuẩn bị trong tháng 3/2020 đã bị lãng phí trong các tuyên bố mang tính biện hộ. Bây giờ, họ sẽ phải tiến hành công việc tháng tư một cách khá gấp rút.

Rủi ro chính đối với các công ty khai thác là sau khi ngừng hoạt động tạm thời, các giếng có thể không hoạt động bình thường trở lại hoặc đòi hỏi phải đại tu giếng quy mô lớn. Do đó, một phần sản lượng có thể bị mất vĩnh viễn hoặc không còn hiệu quả kinh tế khi khai thác. Tất cả sẽ phụ thuộc vào chất lượng chuẩn bị của mỗi công ty. Quỹ thời gian càng nhiều thì cơ hội thành công càng cao.

Cuộc chiến giá dầu cho thấy điều gì?

Theo dòng sự kiện trong tháng vừa rồi sẽ thấy rằng Nga chưa sẵn sàng cho cuộc chiến giá dầu với KSA. Sau sự kiện ngày 06/3 đã có quá nhiều những tranh cãi nổ ra. Về cơ bản, ý kiến các chuyên gia tập trung vào các chỉ số tài chính như dự trữ ngoại hối, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn thu ngân sách từ dầu khí và các chỉ số khác. Tuy nhiên tất cả ý kiến đó sẽ có giá trị trong điều kiện cuộc chiến giá dầu kéo dài.

Tác giả Marcel Salikhov của Trung tâm Carnegie Moscow nhận định: “Bây giờ sức mạnh vị thế đàm phán của các quốc gia được xác định không chỉ bởi các công cụ tài chính mà còn bởi những công cụ kỹ thuật điều chỉnh nguồn cung dầu trên thị trường. KSA đã chuẩn bị cho điều này trong cả một thập kỷ, trong khi Nga đã không thực hiện các biện pháp hỗ trợ nguồn cung trong cuộc đối đầu này, như không xây dựng các kho dự trữ xăng dầu từ trước đó”.

Tất nhiên, KSA có lợi thế là hầu hết sản xuất của KSA đến từ các mỏ dầu lớn có các điều kiện địa chất thuận lợi. KSA đã đầu tư vào năng lực sản xuất dầu tự do trong nhiều năm và có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết. Saudi Aramco cũng phân bổ dầu thô của mình trong các kho lưu trữ để tạo sự cân bằng giữa xuất khẩu và khai thác. Chính vì vậy mà các vụ tấn công một số mỏ dầu của KSA (09/2019) không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Năng lực sản xuất tạm thời bị mất được bù đắp từ các cơ sở lưu trữ.

So với KSA, điều kiện địa chất mỏ dầu ở Nga khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều đang nói là các biện pháp hỗ trợ cuộc chiến giá cả không được phía Nga chuẩn bị từ trước. Chẳng hạn, năng lực lưu trữ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga rất hạn chế, không cho phép cân bằng hoàn toàn nhu cầu và sản xuất hiện tại. Hầu như tất cả lượng dầu khai thác đều phải xuất khỏi hệ thống ống dẫn.

Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 2014-2015, Bộ Năng lượng Nga đã thảo luận khả năng hình thành kho dự trữ dầu chiến lược và xây dựng các cơ sở lưu trữ. Tuy nhiên, đã không có bước đi cụ thể nào được thực hiện, mặc dù điều này cho phép giải quyết những khó khăn về vận tải, phát sinh do thiếu hụt về công nghệ, như trong thời gian đường ống dẫn dầu “Druzba” bị ô nhiễm trong năm 2019. Các cơ sở lưu trữ sẽ giúp điều tiết sản xuất, rất có lợi trong điều kiện hiện nay đối với ngành dầu khí Nga.

Phạm TT

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thuc-chat-thoa-thuan-opec-doi-voi-vi-the-cua-nga-569586.html