Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới (BÐG), quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy BÐG trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới (BÐG), quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy BÐG trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Năm 2006, Việt Nam ban hành Luật Bình đẳng giới, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về BÐG. Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao trong thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Ðiển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8%, cao hơn mức trung bình 19% của các quốc gia châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn trong cộng đồng quốc tế về BÐG. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Trong giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về BÐG đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống và trên trường quốc tế. Trong số 22 chỉ tiêu đã có, có 11 chỉ tiêu đạt mục tiêu đề ra; có bốn chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra; năm chỉ tiêu chưa có số liệu; hai chỉ tiêu đạt mục tiêu một phần.

Tuy nhiên, việc thực hiện BÐG ở Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất BÐG. Song, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiên tai và biến đổi khí hậu, cùng những thay đổi về mặt nhân khẩu học, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về BÐG. Những thách thức này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới còn đang tồn tại cũng như những vấn đề giới nảy sinh trong thời gian tới.

Một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, BÐG và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Nếu không giải quyết vấn đề BÐG, Việt Nam sẽ không đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Do vậy, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, tổ chức Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về BÐG. Kiện toàn, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BÐG. Ðẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về BÐG, thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vấn đề này, góp phần thúc đẩy công tác này ngày càng thực chất hơn. Hiện nay, một số chỉ tiêu về BÐG chưa có số liệu rõ ràng; việc thực hiện BÐG còn thiếu tính bền vững, còn có khoảng cách lớn giữa các khu vực, vùng miền, nhóm dân tộc, nhóm dân cư. Do vậy, cần lồng ghép vấn đề BÐG trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quan tâm đến chất lượng khi ban hành; cần bảo đảm tính chặt chẽ trong sự phối hợp thực hiện BÐG giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương.

LAN CHI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thuc-day-binh-dang-gioi-ben-vung-619669/