Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản chủ lực đưa Mỏ Cày Bắc 'chạy nước rút' huyện nông thôn mới

Với quyết tâm 'chạy nước rút' đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian tới, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) đã và đang có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết cho những loại nông sản chủ lực như bưởi da xanh và dừa.

Cách đây 2 tháng, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) đã chính thức được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt 58,77 triệu đồng/người/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,94%. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận ở vùng quê được mệnh danh là “cái nôi” của cây bưởi da xanh.

Chuyển mình từ xã Thanh Tân

Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Tân đã xây dựng Đề án Xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã (dừa, bưởi da xanh) giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục đích là hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã một cách hiệu quả, bền vững.

Xã Thanh Tân đang đẩy mạnh chuỗi giá trị cho bưởi da xanh.

Xã Thanh Tân đang đẩy mạnh chuỗi giá trị cho bưởi da xanh.

Xã cũng xác định liên kết và hợp tác theo mô hình tổ hợp tác, HTX là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu của người dân và bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Toàn xã hiện có 4 tổ hợp tác bưởi da xanh, với 135 thành viên, diện tích 34,57ha, trong đó, có 1 mô hình bưởi VietGap, với 46 thành viên, diện tích 20ha. Ngoài ra, còn có 2 tổ hợp dừa hữu cơ, với 123 thành viên, diện tích 77ha.

Bên cạnh đó, xã Thanh Tân còn có HTX Thanh Tân (chuyên về chăm sóc cây giống nông nghiệp, hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi…) được thành lập cách đây 5 năm, hiện có 161 thành viên, là một trong những HTX làm ăn hiệu quả của xã.

Lãnh đạo xã cho biết thời gian qua đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong xã về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, nhất là tổ hợp tác, HTX trong kinh tế nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt là nhận thức của người dân về bản chất của mô hình HTX kiểu mới, thấy được lợi ích của các thành viên tham gia, tính tất yếu của mô hình hợp tác trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Cùng với xã Thanh Tân, đến nay, huyện Mỏ Cày Bắc có 8/12 xã đạt chuẩn NTM. Riêng xã Tân Thành Bình đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, trong huyện có 2 xã hiện đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao là xã Tân Thanh Tây và Hưng Khánh Trung A. Các xã này cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác.

Đơn cử như xã Tân Thanh Bình có HTX Tân Thanh Bình với 145 thành viên. Hoạt động của HTX là cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá cả hợp lý, hỗ trợ thành viên tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ phi nông nghiệp nhằm tạo nguồn thu bền vững cho HTX.

Tạo thế mạnh cho bưởi da xanh

Hoặc như xã Tân Thanh Tây tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh. Đây được xem là nhiệm vụ đột phá, là mắt xích quan trọng trong thực hiện liên kết chuỗi. Trong xã hiện có 1 HTX nông nghiệp và 1 tổ hợp tác bưởi da xanh đang hoạt động hiệu quả.

Niềm vui của thành viên HTX Hòa Lộc khi trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả cao.

Niềm vui của thành viên HTX Hòa Lộc khi trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả cao.

Thời gian qua huyện Mỏ Cày Bắc đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, khuyến khích nông hộ tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể. Hiện nay, toàn huyện có 15 HTX và 2 Quỹ tín dụng nhân dân, với 3.091 thành viên. Toàn huyện còn có 47 tổ hợp tác với 895 thành viên.

Vốn có thế mạnh kinh tế vườn và chăn nuôi, huyện này đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển nhịp nhàng, thông suốt đối với 4 chuỗi sản phẩm: Dừa, bưởi da xanh, cây giống - cây kiểng, heo.

Bưởi da xanh là một trong ba cây trồng chủ lực của huyện Mỏ Cày Bắc. Bưởi da xanh được nông dân trồng rải rác trong toàn huyện xen trong vườn dừa, ngoài ra có một số hộ trồng chuyên canh. Diện tích trồng nhiều tập trung tại Thanh Tân, Tân Thành Bình, Nhuận Phú Tây, Tân Thanh Tây…Định hướng của huyện đến năm 2025 là tiếp tục phát triển chuỗi giá trị bưởi da xanh hình thành theo hướng bền vững tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Đến nay, riêng về bưởi da xanh, huyện Mỏ Cày Bắc đã thành lập thêm được 7 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ở các xã Thanh Tân, Hòa Lộc, Nhuận Phú Tân, Tân Thanh Tây và Thành An; thành lập 2 HTX ở Tân Thành Bình và Thành An. Một số HTX, tổ hợp tác đã ký được hợp đồng đầu ra trái bưởi da xanh với doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, khi tham gia các tổ hợp tác, HTX để trồng bưởi da xanh, nông dân trong huyện được hưởng lợi nhiều mặt. Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tổ hợp tác, HTX còn giữ vai trò đầu mối, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như ở xã nông thôn mới Hòa Lộc có HTX Hòa Lộc được thành lập cách đây 5 năm với 100 thành viên. Sau thời gian chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, đến năm 2023 HTX có 16,5ha bưởi da xanh được chứng nhận sản phẩm sản xuất tại vườn phù hợp Quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam.

Tổng sản lượng bưởi da xanh của HTX này hiện đạt khoảng 200 tấn/năm. Ông Đinh Văn Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Lộc, cho biết bưởi da xanh của HTX không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap mà còn được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường châu Âu hồi năm 2022. Điều này giúp cho HTX có thêm động lực để phát triển trong thời gian tới.

Là một thành viên của HTX Hòa Lộc, anh Lê Văn Nhũ cho biết hồi năm rồi gia đình anh thu về ít nhất 400 triệu đồng từ trồng bưởi da xanh VietGap theo mô hình của HTX. Nhờ trồng theo tiêu chuẩn VietGap nên tuyệt đối không sử dụng phân hóa học. Năng suất đạt ít nhất 2 tấn/công. Khi trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trái bưởi được dán tem nhãn, bưởi đa phần đạt loại 1, loại 2 nên có giá bán cao.

Liên kết chuỗi theo nhu cầu thực tiễn

Theo lãnh đạo xã Hòa Lộc, từ khi HTX Hòa Lộc đi vào hoạt động, chính quyền rất quan tâm về chất lượng, nhất là nâng cao mức sống cho thành viên. Việc HTX này trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap và đạt yêu cầu xuất khẩu đi châu Âu đang mở ra nhiều cơ hội mới cho trái bưởi da xanh VietGap Hòa Lộc. Mô hình này góp phần giữ vững thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt 55 triệu đồng/năm.

Một số HTX ở Mỏ Cày Bắc đang nỗ lực giúp nhà vườn trồng dừa tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm dừa.

Một số HTX ở Mỏ Cày Bắc đang nỗ lực giúp nhà vườn trồng dừa tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm dừa.

Còn theo lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc, mô hình trồng bưởi da xanh của HTX ở Hòa Lộc đã đi đúng hướng, nhất là tham gia tiêu chuẩn VietGap. Tin rằng trong tương lai không xa, bưởi da xanh VietGap Hòa Lộc không chỉ xuất sang châu Âu mà còn xuất sang Mỹ. Mô hình này rất cần được nhân rộng toàn huyện.

Với trái dừa, hiện toàn huyện có 4 HTX dừa Tân Thành Bình, Tân Bình, Thành An, Phước Mỹ Trung tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ dừa trái. Các HTX này hướng dẫn người dân tham gia vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tăng chất lượng sản phẩm (VietGap, hữu cơ,..) đủ khả năng cạnh tranh với thị trường.

Đơn cử như ở xã Thành An có HTX Nông nghiệp Thành An làm cầu nối giao thương trong chuỗi liên kết sản xuất dừa giữa công ty và người dân. Với diện tích hơn 2ha trồng dừa, trung bình 1,5 tháng, anh Võ Văn Dũng, thành viên HTX, ở ấp Đông An, cho biết từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất của HTX, anh và người dân bớt lo hơn về đầu ra và giá cả.

Theo ông Phạm Văn Lâu, Giám đốc HTX, hiện nay HTX đang nỗ lực để liên kết với các tổ hợp tác nhằm giúp nhà vườn trồng dừa tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm dừa. Không chỉ dừng lại ở dừa, HTX còn nhiều liên kết sản xuất khác hình thành theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương.

Thời gian tới huyện Mỏ Cày Bắc sẽ tiếp tục củng cố các tổ hợp tác, HTX phát triển để liên kết sản xuất tạo hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường. Nhất là phối hợp các ngành tỉnh Bến Tre mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng tổ chức quản trị, quản lý sản xuất cho tổ hợp tác, HTX để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể.

Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX, người dân làm quen với các chương trình kết nối thương mại điện tử, website, nhãn hiệu hàng hóa, ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc và kỹ năng tiếp cận thị trường.

Huyện Mỏ Cày Bắc cũng sẽ quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu và củng cố, thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác. Trong đó, huyện tập trung vận động, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư tham gia liên kết cùng HTX, tổ hợp tác nhằm tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Từ việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác và chuỗi giá trị cho các loại nông sản chủ lực, tin rằng sẽ giúp cho huyện Mỏ Cày Bắc sớm có sự đột phá trên đường “chạy nước rút” để đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian gần nhất.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thuc-day-chuoi-gia-tri-nong-san-chu-luc-dua-mo-cay-bac-chay-nuoc-rut-huyen-nong-thon-moi-1096682.html