Thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp

Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trung tâm C4IR) tại TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt ngày 25-9 vừa qua, mang đến nhiều kỳ vọng về hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp. Trung tâm C4IR cũng được kỳ vọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh, thúc đẩy đổi mới và công nghệ.

Để Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Trung tâm cần dự đoán và nắm bắt các xu hướng toàn cầu mới nhất ảnh hưởng đến sản xuất để thông tin cho cấp lãnh đạo, điều hành về các chính sách, sáng kiến chương trình công nghiệp. Trung tâm C4IR tại thành phố sẽ tập hợp cộng đồng sản xuất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp thông qua khai thác các công nghệ hiện đại để dẫn đầu các hệ thống sản xuất thông minh, sáng tạo, bền vững. Trung tâm cần tập trung phát triển những sáng kiến mới phù hợp đặc thù, đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh đặt tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh đặt tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Ở góc độ doanh nghiệp thành công bước đầu trong chuyển đổi số, ông Trần Minh Tú, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa mong muốn cơ quan quản lý nhà nước định hướng rõ ràng về mục tiêu, tầm nhìn của Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển chung của thành phố và đất nước. Thành phố cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số... giúp doanh nghiệp tự tin tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động từ Trung tâm C4IR tại Malaysia, bà Ellina Roslan, Giám đốc điều hành cấp cao Trung tâm C4IR tại Malaysia nhìn nhận: Việc Việt Nam có Trung tâm C4IR đầu tiên đặt tại TP Hồ Chí Minh là cơ hội lớn để hai quốc gia hợp tác, chia sẻ thực tiễn về phát triển chính sách và quản trị công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như việc chuyển đổi năng lượng và sản xuất thông minh. Các chương trình đào tạo chung và trao đổi giữa các chuyên gia, sinh viên giữa hai trung tâm sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác hiệu quả, giúp phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao.

Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh hoạt động theo hình thức kết hợp công và tư gồm các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và TP Hồ Chí Minh tham gia sáng lập. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết trong giai đoạn 2024-2027, tạo nền tảng công nghệ bền vững cho thành phố, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển kinh tế.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Trung tâm C4IR tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường hợp tác với các trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố và vùng Đông Nam Bộ. Thành phố sẽ cử nhân lực, đóng góp một phần tài chính tham gia hoạt động, nhưng xu hướng chung là Trung tâm phải phát huy vai trò của doanh nghiệp với nguồn lực, kinh nghiệm quản trị của khu vực tư. Đồng thời, Trung tâm huy động nguồn lực từ đơn vị công nghệ lớn trong nước phối hợp cùng vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa làm trọng tâm”.

Bài và ảnh: SONG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-chuyen-doi-so-cong-nghiep-796642