Thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Năm 2024, tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Bên cạnh đó, các kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được chú trọng triển khai.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh với tổng cộng 1.847 thủ tục hành chính được triển khai trên hệ thống thông tin của tỉnh. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 75,31%, cùng với đó là việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu.

Những kết quả này phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục rườm rà, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Anh Trần Văn Đá, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Liên Đá (huyện Kim Sơn) cho biết: Công ty được tỉnh và huyện Kim Sơn tạo các điều kiện thuận lợi trong cấp phép xây dựng và tổ chức hoạt động kinh doanh. Cùng với thực hiện kê khai, đăng ký thuế, nộp thuế đều thực hiện trên Cổng dịch vụ công, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và công sức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ sự phát triển của kinh tế số và lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ dành nhiều nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) hướng dẫn Nhân dân thực hiện giao dịch hành chính trên môi trường điện tử.

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) hướng dẫn Nhân dân thực hiện giao dịch hành chính trên môi trường điện tử.

Các sở, ngành của tỉnh đang quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, cũng như chủ động huy động các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.

Đại úy Trần Ngọc Linh, cán bộ Công an phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Xác định triển khai ứng dụng VNelD có ý nghĩa quan trọng trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố Ninh Bình và Công an phường Tân Thành, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đi làm định danh điện tử VneID mức 2.

Đến nay, Công an phường đã vận động được khoảng 85% dân số trên địa bàn phường cài đặt định danh điện tử VneID mức 2; hướng dẫn người dân ứng dụng tiện ích VneID mức 2 vào cuộc sống; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh có điều kiện sử dụng VneID mức 2 để khai báo lưu trú cho khách...

Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác giải quyết kiến nghị, đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng được các sở, ngành, địa phương chú trọng thực hiện.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh (thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) gắn mã QR cho sản phẩm ruốc cá rô Tổng Trường đạt OCOP 4 sao.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh (thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) gắn mã QR cho sản phẩm ruốc cá rô Tổng Trường đạt OCOP 4 sao.

Để tạo nền tảng vững chắc trong thực hiện công tác chuyển đổi số, tỉnh quan tâm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển không gian số: 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN - Local Area Network) để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

100% công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; trên 95% cấp huyện, xã có máy tính và các thiết bị phụ trợ khác để sử dụng trong thực thi công vụ.

100% cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); hoàn thành việc chuẩn hóa kết nối mạng TSLCD cấp 2 theo yêu cầu của Cục Bưu điện Trung ương cho 143 xã/phường/thị trấn, 8 UBND huyện/thành phố, 8 thành ủy/huyện ủy.

Đưa vào khai thác sử dụng Cổng dữ liệu mở của tỉnh từ tháng 10/2023, tại địa chỉ data.ninhbinh.gov.vn. Hiện tại, đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực.

Kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 6/2023, hiện đã cấp được 95.247 tài khoản. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng quốc gia và phát huy hiệu quả với số lượng giao dịch đạt cao.

Những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Những bước tiến này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. 9 tháng năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 24 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 70 lượt dự án, với tổng vốn đăng trên 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cap-696822.htm