Thúc đẩy đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh

Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã lựa chọn xu hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển bền vững. Chính quyền, cơ quan quản lý đã và đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững.

Tại hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số” ngày 25/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) khẳng định, chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn...

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài. Nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA).

Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA).

Thành phố Hà Nội, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững. Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, ngành dệt may đã xác định lộ trình chuyển đổi xanh với mục tiêu xuất khẩu đạt 48,5 tỷ USD vào năm 2025 - tăng khoảng 10% so với năm 2024. Đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu và ứng dụng công nghệ số. Tầm nhìn đến 2035 là phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ở trong nước, doanh nghiệp dệt may đối mặt với áp lực thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP 26 về Net Zero vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực và vốn rất lớn cho dệt, nhuộm. Doanh nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức trong chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, yêu cầu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế của các FTA.

Trên bình diện quốc tế, sản xuất kinh doanh trong môi trường biến động làm thay đổi xu hướng và nhu cầu tiêu dùng, tăng chi phí logistics, giá nhiên liệu... Các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động và môi trường. Thay đổi từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững” theo hướng kinh doanh tuần hoàn cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Cẩm, trước những áp lực này, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng bền vững, đồng thời tập trung vào các thế mạnh của mình. Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ nhuộm không nước, tiết kiệm năng lượng, thay nồi hơi đốt than, dầu bằng điện hoặc sinh khối; lắp đặt điện mặt trời áp mái và sử dụng năng lượng gió, thủy điện.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số.

Ngoài ra, cần tối ưu chi phí - lợi ích, xây dựng lộ trình chuyển đổi, phối hợp với các nhãn hàng thực hiện yêu cầu xanh, và áp dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc. Sử dụng nguyên liệu truyền thống như tơ tằm, đay, tre; kết nối các doanh nghiệp cùng khu vực để xử lý, tái sử dụng nước và phế thải cũng là giải pháp hiệu quả.

Bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, tập đoàn đang theo đuổi mô hình “Nhà bán lẻ xanh & bền vững.” Hơn một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Central Retail đã cam kết sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua sắm và triển khai các trung tâm thương mại tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời. Central Retail mong muốn góp phần vào một tương lai bền vững hơn cho Việt Nam và cộng đồng.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thuc-day-dau-tu-chuyen-doi-san-xuat-xanh/20241025061751449