Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững
Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo 132 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024. Trong đó, có nhiều vấn đề cần khai thông để khu vực kinh tế tập thể, HTX vượt qua thách thức, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và bao trùm. Tại tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều cách làm, giải pháp phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh phát triển, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Sản xuất dưa trong nhà lưới tại HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Ảnh: Việt Hoa
Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để giảm nghèo bền vững, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng vươn lên ở chính mỗi thành viên.
Tại tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, kinh tế tập thể từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức hợp tác. Tính đến tháng 5-2024, toàn tỉnh có trên 650 HTX, 146 tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả với khoảng 44.377 thành viên, vốn điều lệ trên 1.263 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi HTX là 650 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một thành viên, lao động HTX là 68 triệu đồng/năm…
Nhìn chung, các HTX đã phát huy vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trên một số lĩnh vực khác, các HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho thành viên và người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nổi bật nhất là chương trình OCOP đã tạo động lực phát triển sản phẩm chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm. Trong số 72 HTX tham gia chương trình OCOP của tỉnh, có 70 HTX nông nghiệp với 153 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó, hiện toàn tỉnh còn có 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia, trong đó, một số HTX đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định.
Để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển nhanh, đúng hướng, kịp thời hỗ trợ HTX bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh và cấp huyện của 13 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời chỉ đạo Sở KH&ĐT, Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cụ thể hóa các văn bản, nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế tập thể; góp ý xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các HTX, củng cố và kiện toàn bộ máy nhà nước các cấp về kinh tế tập thể; kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của HTX, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tín dụng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ nhóm tín chấp vay vốn, tạo nguồn lực về vốn cho các mô hình HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất. Với nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân quản lý đã được ưu tiên giải ngân cho các hộ là thành viên tham gia các mô hình liên kết sản xuất. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 100 tỷ đồng, tăng đến hơn 20% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng ủy thác qua các ngân hàng đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Trung ương, sự phát triển của khu vực kinh tế này tại Quảng Ninh cho thấy tỉnh đã dành sự quan tâm sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương một cách kịp thời, đầy đủ, bài bản. Hiện tỉnh đang thuộc top 10 toàn quốc về số lượng HTX, tổ hợp tác, với tốc độ nhanh, bền vững, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX, tổ hợp tác của tỉnh.
Để tiếp tục tạo động lực cho khu vực kinh tế này phát triển, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12-7-2023) về “Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”. Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Trong đó, nổi bật như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện TTHC liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án… Đây tiếp tục là nguồn động lực quan trọng tiếp sức giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.