Thúc đẩy kinh tế Thủ đô nhờ nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Hiệu quả kinh tế từ các mô hình

Được đánh giá là một mô hình tiêu biểu ứng dụng CNC của Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) rau hữu cơ CNC Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã không ngừng đầu tư máy móc hiện đại. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ CNC Cuối Quý cho biết: “Với vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, chúng tôi xây dựng khoảng 7.000m2 nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, được lọc qua bể lọc. Bên cạnh đó chúng tôi áp dụng kỹ thuật mới trong các bước làm đất, gieo trồng, chăm sóc các loại rau hữu cơ... Tuy số vốn bỏ ra lớn nhưng tôi thấy giá trị nhận lại rất cao và bền vững cho nhiều năm sau”. Từ khi áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới, mỗi năm HTX đạt doanh thu gấp 3 lần so với gieo trồng theo phương pháp truyền thống. Hiện nay, đơn vị đang cung cấp rau cho nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, các trường mẫu giáo... trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Chăm sóc rau thủy canh tại HTX nông nghiệp CNC Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT

Chăm sóc rau thủy canh tại HTX nông nghiệp CNC Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT

Thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt hơn 38.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp CNC chiếm khoảng 30-35%.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết: “Việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội đã nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ trở nên rộng mở. Từ đó, người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư vào nông nghiệp CNC là khá rõ, song thực tế cho thấy, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư là hai rào cản lớn nhất đối với Hà Nội trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC. Bà Đặng Thị Cuối chia sẻ: “Mặc dù mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chúng tôi vẫn bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nguồn vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu. Bên cạnh đó, khi muốn vay để nâng cấp, mở rộng sản xuất thì việc làm các thủ tục giấy tờ khá phức tạp”.

Ông Đặng Anh Tuấn cho biết, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC rất cần vốn đầu tư lớn để xây dựng và mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, hộ dân, doanh nghiệp, HTX khó tiếp cận vốn vay. Bởi để vay được nguồn vốn ưu đãi lớn, phải có kế hoạch đầu tư, thuyết minh dự án, hóa đơn giá trị gia tăng... Việc định giá tài sản trên đất nông nghiệp cũng đang là cản trở với người dân khi tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác mới được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn... Mặt khác, đất nông nghiệp phần lớn của các hộ gia đình với quy mô nhỏ nhưng lại thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau hoặc với doanh nghiệp để thực hiện đầu tư và ứng dụng đồng bộ CNC. Hiện nay, Trung ương cũng chưa có chính sách cụ thể về tập trung, tích tụ ruộng đất để làm cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC. Những điều này là nguyên nhân chính khiến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC ở thành phố gặp khó khăn. Theo ông Đặng Anh Tuấn, để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, trong thời gian tới Hà Nội cần thực hiện quy hoạch đất cho nông nghiệp CNC như đẩy mạnh quá trình tích tụ đất, thu hồi những diện tích không sử dụng đúng mục đích, bỏ hoang... để giao lại dài hạn cho doanh nghiệp ứng dụng CNC.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư phát triển sản xuất giống; sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của thành phố... Đặc biệt, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020, thành phố dành hơn 204 tỷ đồng hỗ trợ chương trình nông nghiệp CNC; 233 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

ĐOÀN THU THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-kinh-te-thu-do-nho-nong-nghiep-cong-nghe-cao-649232