Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ thiết kế bao bì
Bao bì thuận tiện cho thu gom, tái chế là điều kiện quan trọng để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
Không khó để nhận ra, hiện nay, phần lớn chai nước khoáng được bán ra trên thị trường đã được loại bỏ màng co nắp chai - phần nylon bọc kín nắp chai như một “dấu hiệu” cho thấy chai nước hoàn toàn mới và chưa được khui. Một phần bởi vì công nghệ đóng gói hiện nay đã hoàn toàn có thể đáp ứng được việc đóng kín chai nước mà không cần phải “gia cố” thêm nylon, một phần là vì những miếng nylon nhỏ xíu ấy rất khó để thu gom và hầu như không có giá trị tái chế.
Ông lớn ngành nước giải khát Coca Cola – thành viên sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) là một trong những đơn vị tiên phong triển khai loại bỏ màng co nắp chai trên sản phẩm nước tinh khiết Dasani. Mới đây, Tập đoàn Coca Coloa toàn cầu đang triển khai thử nghiệm tại thị trường Anh quốc mẫu thiết kế chai nước giải khát có nắp chai vẫn dính liền vào thân chai sau khi mở, từ đó hạn chế “bỏ lại phía sau” chiếc nắp chai khi thu gom vỏ chai nước. Dự kiến đến năm 2024, thiết kế thân thiện với môi trường này sẽ được phổ biến tại thị trường Anh, sau đó mở rộng ra toàn thế giới.
Những thay đổi về thiết kế vỏ chai nước tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang là xu thế của ngành bao bì, trong bối cảnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trở thành hướng đi tất yếu.
Động lực cho thay đổi thiết kế bao bì
Theo TS. Mai Thanh Dung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, doanh nghiệp có thể áp dụng triết lý của mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ từ thu gom, tái chế mà có thể là ngay cả những giai đoạn ban đầu như thiết kế bao bì, sản phẩm, lựa chọn vật liệu, từ đó kéo dài vòng đời sản phẩm, bao bì và hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.
Động cơ để áp dụng quy trình kinh tế tuần hoàn có thể xuất phát từ những cam kết bền vững của doanh nghiệp với đối tác, với Chính phủ và người tiêu dùng, tuy nhiên cũng xuất phát một phần từ chính nhu cầu giảm sử dụng tài nguyên, qua đó tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh nghiệp đồ uống tại Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ thay đổi thiết kế bao bì. Những bước đi ban đầu này nhằm tận dụng nguồn rác thải khổng lồ đang bị lãng phí tại Việt Nam do xử lý không đúng cách.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2024, doanh nghiệp sử dụng bao bì sẽ chính thức phải thực thi trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc theo công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Cụ thể, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tổ chức thu gom, tái chế, thuê đơn vị khác thực hiện thu gom, tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Khoản đóng góp sẽ cao hơn so với chi phí thực hiện để tạo động lực doanh nghiệp chủ động thực hiện việc thu gom và tái chế bao bì, sản phẩm.
Trách nhiệm này là bắt buộc và sẽ tăng qua các năm. Để tiết giảm chi phí thực thi EPR, doanh nghiệp sẽ phải tìm ra giải pháp giúp cho hoạt động thu gom, tái chế trở nên dễ dàng, thuận tiện. Trong đó, giải pháp thay đổi thiết kế bao bì sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp luôn muốn đưa ra thị trường sản phẩm được đóng trong bao bì sang trọng, bắt mắt, đáp ứng các tiêu chí marketing để thu hút người tiêu dùng, vô tình làm gia tăng độ phức tạp của bao bì. Trong khi đó, nhà tái chế rất “sợ” những bao bì phức tạp, thiết kế đa chất, đa lớp. Do đó, để thực thi EPR hiệu quả, doanh nghiệp và nhà tái chế cần “ngồi lại với nhau”, cùng tìm ra hướng giải pháp thiết kế bao bì sao cho đôi bên cùng có lợi.
Mặt khác, động lực cũng sẽ đến từ phía người tiêu dùng, đặc biệt khi văn hóa tiêu dùng xanh, bền vững đang dần "lên ngôi". Như vậy, có thể nói, thay đổi thiết kế bao bì theo hướng bền vững, tuần hoàn, doanh nghiệp chắc chắn sẽ nhận được lợi ích về nhiều mặt.