Thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có xu hướng chững lại, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành đã có những chuyến công tác đến các địa phương nhằm lắng nghe, chia sẻ và có những định hướng cơ bản giúp xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của cả nước.

Hạ tầng giao thông của Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ rất cần Chính phủ quan tâm đầu tư. Trong ảnh: Lực lượng chức năng điều tiết giao thông tại giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn và Phú Lợi. Ảnh: BÌNH MINH

Xây dựng Bình Dương vững mạnh

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuyến thăm, làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây liên quan nội dung về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2005-2020. Sau khi lắng nghe lãnh đạo Bình Dương báo cáo những kết quả đạt được của tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự nỗ lực và tinh thần đổi mới, sáng tạo của Bình Dương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục kế thừa tinh thần của các thế hệ đi trước, có những quyết sách phù hợp, đúng đắn để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển hơn nữa. Về phần cơ chế, chính sách dành cho Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác Trung ương cho biết sẽ có hướng tham mưu, trình Chính phủ sớm có hướng điều chỉnh phù hợp.

Nói về định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong bức tranh chung của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng theo hướng tập trung đầu tư cho phát triển. Trong đó, sự hợp tác của các địa phương thuộc “vùng lõi hạt nhân” ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là tiền đề quan trọng, là mối liên kết mang tính chiến lược giúp kinh tế - xã hội của cả vùng tiếp tục đi lên.

Trong chương trình làm việc với các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành cũng cho rằng quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua đã mang lại những chuyển biến tích cực, rõ nét. Để tiếp tục nắm giữ vị thế quan trọng trong tổng thể chung của khu vực và cả nước, thời gian tới Bình Dương cần tiếp tục có chiến lược quy hoạch, xây dựng và quản lý quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững, thông minh, hiệu quả, toàn diện. Trong đó, quy mô, chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cần được đầu tư xây dựng, nâng cấp xứng tầm. Chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cần được cải thiện theo hướng lành mạnh, văn minh, thân thiện và có bản sắc riêng.

Xóa “điểm nghẽn” giao thông

Hiện nay nền kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành nhìn nhận quá trình từ một địa phương thuần nông trở thành thủ phủ công nghiệp của Bình Dương thời gian qua là một kỳ tích. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ của Bình Dương thuộc top năng động, nhưng cũng chính sự phát triển nhanh chóng này đã tạo ra những bài toán khó cần giải quyết. Trong đó, các vấn đề liên quan đến môi trường sống, chất lượng, quy mô các công trình hạ tầng giao thông, bài toán về nhà ở xã hội và chính sách an sinh xã hội cho người dân, các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội… cần tiếp tục quan tâm.

Hiện nay, bài toán lớn đặt ra đối với Bình Dương nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung là hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương và khu vực. Theo đó, tính riêng trên địa bàn Bình Dương, thời gian gần đây một số tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT741, ĐT742, ĐT743… đã có dấu hiệu ùn ứ, tắc nghẽn vào một số thời điểm nhất định. Nếu không được tập trung giải quyết sớm sẽ gây ra những điểm trừ đối với mức độ cạnh tranh về thu hút đầu tư của địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ sớm có quyết định về việc bổ nhiệm một “tư lệnh” chuyên tâm chỉ huy tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương chủ động ngồi lại với nhau để cùng thống nhất và tìm ra những phương án tối ưu nhất trong bài toán liên kết vùng, hỗ trợ nhau phát triển. Các địa phương cần có phương án phân công nhiệm vụ theo tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng đề nghị các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó, Bình Dương được giao nhiệm vụ tập trung theo dõi, chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; tập trung thực hiện các công trình giao thông trọng điểm theo hướng kết nối đường địa phương với hệ thống giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng biển Thị Vải - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4; cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13...

Với vai trò là 1 trong 4 tỉnh, thành phố “tứ giác hạt nhân” phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang có khát vọng hướng tới những mục tiêu xa hơn. Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu trở thành đô thị thông minh và thân thiện, trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước vào những năm 2030. Để thực hiện những mục tiêu và tầm nhìn đó, Bình Dương cần những chính sách đặc thù, phù hợp. Từ đó có tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu để tái đầu tư, tạo đột phá về cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.

ĐÌNH THẮNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thuc-day-lien-ket-vung-tao-dong-luc-phat-trien-a276638.html