Thúc đẩy lồng ghép giới vào kế hoạch hoạt động của tỉnh

Đại biểu Sở GD-ĐT chia sẻ các giải pháp thúc đẩy BĐG của ngành GD-ĐT. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) và lồng ghép giới vào kế hoạch hoạt động của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Từ thực trạng này, mới đây Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA Việt Nam) tổ chức hội thảo BĐG và thúc đẩy lồng ghép giới vào kế hoạch hoạt động của tỉnh nhằm đề xuất các giải pháp xung quanh công tác này.

Kết quả bước đầu

Mục tiêu BĐG là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó lồng ghép giới là một biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu về BĐG.

Có thể nói trong những năm qua Phú Yên nói riêng đã đạt được kết quả tích cực về BĐG trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, lao động việc làm… Bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành tăng (năm 2017, nữ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị là 16,8%, đã tăng lên 20,1% vào năm 2019).

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga, hội thảo nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện BĐG và những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện lồng ghép giới trên địa bàn tỉnh. Qua đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện kế hoạch hoạt động của tỉnh để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020 ở Phú Yên.

Trong đó, cấp sở, ngành tương đương cấp trưởng, nữ chiếm 18,51%; cấp trưởng phó phòng và tương đương, nữ chiếm 24,3%; nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm 40%. Đối với cán bộ nữ (CBN) trong nguồn quy hoạch, 100% có trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, được bồi dưỡng cập nhật kiến thức ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước. Tỉ lệ CBN tham gia cấp ủy, tham gia quản lý lãnh đạo và các cơ quan dân cử tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Chia sẻ về những kết quả khả quan trên lĩnh vực lao động việc làm của tỉnh nhà, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho hay: Cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm qua số lao động có việc làm là 24.750 người, trong đó nữ 12.251 người, chiếm 49,5%.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện có hiệu quả đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2019, toàn tỉnh có 8.102 người tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó tỉ lệ nữ lao động được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chiếm 50,6%.

Ngoài ra, Hội LHPN, Hội Nông dân tích cực vận động nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng, phối hợp thường xuyên với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển dịch cây trồng vật nuôi, hướng dẫn hộ phụ nữ nghèo cách làm ăn, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ giúp giải quyết việc làm, từng bước giúp hội viên phụ nữ nghèo cải thiện đời sống kinh tế. Bà Hiền nói rằng, nhìn chung công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, vay vốn tín dụng phát triển kinh tế đã đạt được những chỉ tiêu kế hoạch BĐG đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện lồng ghép giới trong việc phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Trong công tác thực hiện BĐG ở lĩnh vực giáo dục, ông Huỳnh Quốc Lực, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, Phó Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành GD-ĐT, thông tin: Cùng với công tác GD-ĐT chăm sóc sức khỏe, thực hiện BĐG ở lĩnh vực quản lý trường học đạt nhiều kết quả, bước đầu đã xây dựng được quy hoạch về đội ngũ viên chức nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp, quản lý trường học.

Tuy nhiên, chỉ có một nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng, còn đa số là cấp phó. Tỉ lệ cấp trưởng là nữ ở các trường phổ thông là 11,9%, cấp phó là 29,1%; chỉ có trường mầm non do đặc thù ngành học nên quản lý là cấp trưởng. Tồn tại này một phần là do chưa làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, công tác quy hoạch cán bộ nên tư duy về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo quản lý chưa đổi mới và thiếu sự chuẩn bị cho đội ngũ kế cận…

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Giám đốc quốc gia APHEDA Việt Nam, bày tỏ: Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng đạt những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện BĐG và lồng ghép giới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên khoảng cách giới, bất BĐG vẫn còn tồn tại, phần lớn nghiêng về phụ nữ. Lồng ghép giới trong việc thực thi các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét.

Để đảm bảo BĐG thực chất và phát triển bền vững, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép giới trong hoạch định các chính sách. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện BĐG. Dự án Thúc đẩy BĐG và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính mà tổ chức APHEDA Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Phú Yên đang triển khai trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài mục tiêu này.

Dự án triển khai từ 8/2017-8/2021, tại 12 xã của huyện Phú Hòa và Đồng Xuân nhằm góp phần nâng cao năng lực cho 131 nữ đại biểu HĐND cấp xã, thành lập hỗ trợ hoạt động cho CLB Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt hơn vai trò của phụ nữ tham chính. Đồng thời lồng ghép chỉ số chuyên sâu về giới vào kế hoạch hoạt động với các chỉ số như: Nghiên cứu tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh những giải pháp nâng cao tỉ lệ nữ tham gia vào các vị trí, lãnh đạo quản lý cấp phòng ban thuộc các sở, ngành và cấp huyện. Xây dựng bộ chỉ số về phân tích giới trong các lĩnh vực lao động, việc làm, GD-ĐT, y tế… Phấn đấu tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 20%.

Trao đổi về vấn đề tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực tham chính, bà Đặng Thị Hồng Nga cho hay, thời gian qua, dù Phú Yên có chuyển biến tích cực trong công tác này, tuy nhiên vẫn còn nhiều vị trí các ngành, các cấp chưa có nữ đảm nhận. Tỉ lệ CBN tham gia lãnh đạo quản lý và các cơ quan dân cử vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng CBN trên địa bàn tỉnh. Để cùng với các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu BĐG hiệu quả hơn, trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, góp phần tạo nguồn CBN cho các cấp, các ngành; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG trong các tầng lớp phụ nữ; mở các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ Hội; tích cực phối hợp với tổ chức APHEDA Việt Nam thực hiện dự án Thúc đẩy BĐG và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính nhằm nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, phấn đấu đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Nói về một số giải pháp thực hiện lồng ghép giới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở lĩnh vực lao động việc làm, bà Phạm Thị Minh Hiền cho hay: Sở LĐ-TB-XH sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai thực hiện những nội dung BĐG trong Bộ luật Lao động năm 2019; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG các cấp; kiểm tra rà soát yếu tố tác động về giới và lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề…

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/236019/thuc-day-long-ghep-gioi-vao-ke-hoach-hoat-dong-cua-tinh.html