Thúc đẩy mối liên hệ hiệu quả giữa AIPO/AIPA với ASEAN

Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của AIPO/AIPA giữ vai trò tích cực, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến tại các kỳ Đại hội đồng cũng như tại các hội nghị chuyên đề. Điểm nhấn là Quốc hội Việt Nam tham gia đóng góp trong việc tăng cường mối liên hệ giữa AIPO/AIPA với ASEAN.

Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của AIPO/AIPA giữ vai trò tích cực, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến tại các kỳ Đại hội đồng cũng như tại các hội nghị chuyên đề. Điểm nhấn là Quốc hội Việt Nam tham gia đóng góp trong việc tăng cường mối liên hệ giữa AIPO/AIPA với ASEAN.

Vì sự nghiệp chung của ASEAN

Về các vấn đề tổ chức, có thể thấy rằng Việt Nam đã đóng góp rất nhiều sáng kiến về vấn đề tổ chức nội bộ của AIPO/AIPA như trao kỷ niệm chương cho những người có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức này; tăng cường mối liên hệ giữa AIPO/AIPA với ASEAN.

Tại kỳ Đại hội đồng lần thứ 23 tổ chức tại Việt Nam năm 2002, Quốc hội nước ta đã có các sáng kiến về các nghị quyết tập trung vào việc tăng cường sự phát triển của nội khối AIPO, như: sử dụng quỹ dư của AIPO vào các hoạt động thiết thực; trao giải thưởng chính thức của AIPO cho những người có nhiều công lao và đóng góp hiệu quả cho sự lớn mạnh của AIPO cũng như sự nghiệp chung của ASEAN.

Kỷ niệm 30 năm thành lập AIPO, tại Đại hội đồng lần thứ 27 năm 2006, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực ủng hộ sáng kiến về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại mỗi nước thành viên, đồng thời tổ chức một lễ kỷ niệm chung tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 28 tại Malaysia nhằm nâng cao vai trò, vị trí của AIPA trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của ASEAN.

Tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 29 năm 2008, tại Ủy ban Tổ chức, dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đề xuất về tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng các nghị sĩ và việc thành lập Nhóm tư vấn AIPA tại nghị viện các nước thành viên để tư vấn về vấn đề hài hòa hóa pháp luật, giám sát thực hiện nghị quyết của AIPA và tăng cường quan hệ giữa AIPA và ASEAN… đã được Ủy ban thông qua.

Ủy ban cũng hoan nghênh đề nghị của Quốc hội nước ta tổ chức Hội thảo về vấn đề bồi dưỡng kỹ năng hoạt động nghị viện vào cuối năm 2008 tại Việt Nam và đưa nội dung này vào Thông cáo chung của Đại hội đồng.

Về vấn đề cải tổ AIPO, Quốc hội nước ta đã tham gia rất tích cực vào việc đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Nghiên cứu AIPO về Khả năng thành lập Nghị viện ASEAN tổ chức tại Thái Lan, vào tháng 5-2005, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất.

Theo đó, AIPO nên tổ chức cuộc họp của nhóm chuyên viên giúp việc của các Nghị viện thành viên giữa các cuộc họp của Ủy ban nghiên cứu nhằm chuẩn bị nội dung làm việc, góp phần bảo đảm hiệu quả của các cuộc họp của Ủy ban nghiên cứu;

Chúng ta đề xuất Ủy ban nghiên cứu xác lập kế hoạch hoạt động hàng năm nhằm xác định cụ thể các vấn đề thảo luận và xác định một hoặc nhiều Nghị viện đăng cai. Chủ tịch Hội nghị Ủy ban nghiên cứu nên được Đại Hội đồng AIPO bầu theo nhiệm kỳ hai năm để bảo đảm tính kế tiếp.

Nội dung đề xuất khác là thử nghiệm rà soát và so sánh hệ thống văn bản pháp luật của các nước liên quan đến việc ngăn, phòng, đẩy lùi các bệnh có khả năng lây lan cao trong khu vực như hội chứng suy hô hấp cấp (SARs), cúm gia cầm… nhằm trao đổi kinh nghiệm, rút ra bài học thực tiễn, gợi ý điều chỉnh bổ sung văn bản pháp luật liên quan ở mỗi nước. Đề xuất này được Hội nghị đánh giá có tính khả thi trong bối cảnh thực tiễn tổ chức và hoạt động của AIPA hiện nay.

Tại Hội nghị lần thứ hai của Ủy ban Nghiên cứu AIPO về Khả năng thành lập Nghị viện ASEAN, tổ chức tại Thái Lan vào tháng 8-2005, Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra các đề xuất và được Hội nghị thông qua một số nội dung cụ thể như: Đề xuất bổ sung về các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của Ủy ban trong dự thảo chức năng, nhiệm vụ, trong đó khẳng định lại nguyên tắc đồng thuận và cách tiếp cận tiệm tiến, thực tế và khả thi;

Đề xuất dung hòa quan điểm còn khác nhau giữa các đoàn về chức danh Chủ tịch Hội nghị và đã được Hội nghị thông qua. Đoàn đưa ra kiến nghị Hội nghị Ủy ban nghiên cứu do Nghị viện chủ nhà chủ trì nhưng cần có trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch Hội nghị trong số các thành viên của Ủy ban có nhiệm kỳ từ một đến hai năm. Trợ lý sẽ phải tham gia đầy đủ tất cả các hoạt động của Ủy ban nghiên cứu và theo dõi sát sao hoạt động của Nhóm kỹ thuật để tham vấn cho Chủ tịch về các vấn đề liên quan đến chuyên môn nhằm bảo đảm hiệu quả của quá trình nghiên cứu.

Đề xuất thể chế hóa việc trao đổi qua lại thường xuyên giữa AIPA và ASEAN. Cụ thể, trong thời gian trước mắt, khuyến nghị ASEAN mời Chủ tịch AIPO làm khách mời đặc biệt phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ngược lại, AIPO mời Chủ tịch ASEAN phát biểu tại Đại hội đồng AIPO.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban đặc biệt AIPO về việc cải tổ AIPA thành một tổ chức hiệu quả và liên kết hơn, tổ chức tại Indonesia tháng 3-2006. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã kiến nghị giảm số lượng và lựa chọn kỹ các chủ đề thảo luận thuộc mối quan tâm chung của các nước thành viên tham dự Đại hội đồng, các ủy ban, các phiên toàn thể và phiên đối thoại nhằm tập trung nhiều thời gian và trí tuệ hơn trong các cuộc thảo luận, tránh dàn trải các vấn đề.

Mặt khác, đề xuất tổ chức Cuộc họp không chính thức dành cho Trưởng các đoàn AIPO trong thời gian diễn ra Đại hội đồng để trao đổi quan điểm về những vấn đề cùng quan tâm, tăng cường mối quan hệ và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, đề xuất tổ chức Hội nghị Tổng thư ký các thành viên AIPO song song với Đại hội đồng AIPO để trao đổi kinh nghiệm về quản lý và công tác nghị viện, phương thức tổ chức và điều hành hiệu quả nghị viện.

Về mối quan hệ giữa AIPO/AIPA và ASEAN, có thể nói Việt Nam là một trong những nước tích cực và có nhiều sáng kiến nhất trong nội dung này. Xuyên suốt quá trình từ khi bắt đầu tham gia AIPO/AIPA cho đến nay, Quốc hội nước ta đã nhiều lần đề cập và có sáng kiến hữu ích nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa AIPO/AIPA và ASEAN.

Xây dựng cộng đồng lấy nhân dân làm trung tâm

Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 tổ chức tại Việt Nam - Hà Nội ngày 10-9-2002. (Ảnh: Tư liệu Văn phòng Quốc hội)

Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 tổ chức tại Việt Nam - Hà Nội ngày 10-9-2002. (Ảnh: Tư liệu Văn phòng Quốc hội)

Trong quá trình chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ Đại hội đồng AIPO-23 vào năm 2002 tại Việt Nam, đoàn đại biểu của Quốc hội nước ta đã có thời gian làm việc với Tổng thư ký ASEAN và nêu rõ nhu cầu thiết lập mối quan hệ giữa hai tổ chức AIPO và ASEAN, trao đổi văn kiện giữa hai tổ chức một cách thường xuyên và hai bên có cơ chế tham dự các kỳ họp cấp cao của nhau. Kết quả là tại kỳ Đại hội đồng AIPO-23, lần đầu tiên Phó Tổng thư ký của ASEAN đã tham dự và phát biểu tại một phiên toàn thể của Đại hội đồng.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 28 năm 2007, Nghị quyết tăng cường hợp tác giữa AIPA và ASEAN do Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đề xuất tại Ủy ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự.

Nghị quyết kêu gọi Nghị viện và Chính phủ các nước ASEAN hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN để thực sự trở thành một cộng đồng lấy nhân dân làm trung tâm.

Nghị quyết kêu gọi đối thoại giữa AIPA và ASEAN thông qua việc tham dự lẫn nhau tại các hội nghị cấp bộ trưởng và cuộc họp của các ủy ban của AIPA để bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa AIPA và ASEAN ngay trong quá trình thảo luận, đưa ra những quyết sách chung cho ASEAN.

Gần đây nhất, tiếp theo việc Thái Lan có sáng kiến tổ chức hai cuộc gặp không chính thức giữa lãnh đạo nghị viện và chính phủ các quốc gia Đông - Nam Á vào năm 2009, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Việt Nam vào tháng 4-2010, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên đã có cuộc họp chính thức giữa lãnh đạo nghị viện AIPA với những người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN.

* Trong quá trình tham gia AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam đã tham gia hầu hết các cuộc đối thoại với các nước quan sát viên về nhiều nội dung khác nhau và đưa ra nhiều ý kiến thảo luận hữu ích. Tại Hội nghị chuyên đề của AIPO về “Vai trò của cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ” do Quốc hội nước ta tổ chức vào năm 1999, Quốc hội nước ta đã có sáng kiến và được AIPO lần đầu tiên chấp nhận có sự tham gia của một số nước không phải là thành viên AIPO (một số nước khu vực Đông Á) tới dự hội nghị và được hưởng quy chế đại biểu của hội nghị…

* Tại kỳ Đại hội đồng lần thứ 24, Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị viện Á – Âu lần thứ 3 (ASEP-3) và đã được Đại hội đồng nhất trí cao để Việt Nam chủ trì hoạt động này. Quan điểm của Việt Nam là nhằm xây dựng ASEP thành một diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa nghị viện hai châu lục, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa Á - Âu.

THÁI TRUNG (Tổng hợp tài liệu Ban Thư ký Quốc gia AIPA41)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/thuc-day-moi-lien-he-hieu-qua-giua-aipo-aipa-voi-asean-615883/