Thúc đẩy nguồn lực thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ giáo viên

10 năm qua, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể. Ngoài sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các địa phương, bộ ngành thì việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng.

Ngày 25/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập với tổng số 553.181 phòng học; trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non với tỷ lệ kiên cố hóa rất thấp, chỉ đạt 47,7%.

Đến năm 2023, hệ thống trường lớp đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng; trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013; điển hình, cấp học mầm non có tỷ lệ kiên cố hóa là 83%.

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa; góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp để đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn.

Quang cảnh hội nghị.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2023, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp vào việc xã hội hóa trường lớp. Nhờ đó, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương và đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã chủ trì triển khai có trách nhiệm, hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua, không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Trong đó hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu; tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ mục tiêu đến năm 2030, 100% trường, lớp học trên cả nước sẽ được kiên cố hóa, xóa hoàn toàn phòng học tạm. Để thực hiện được điều đó, đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân...

Cùng với đó, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà hảo tâm.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT biểu dương, khen thưởng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023.

Nam Du - Diệu Hằng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-day-nguon-luc-thuc-hien-kien-co-hoa-truong-lop-nha-cong-vu-giao-vien.html