Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững

Các sản phẩm do Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên sản xuất được bảo hộ SHTT trưng bày tại Điểm kết nối cung - cầu. Ảnh: THÁI HÀ

Với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ (SHTT) thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) tỉnh Phú Yên đến năm 2030 đã mở ra hướng đi mới, đưa SHTT thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - nhu cầu cấp thiết

Trong thời kỳ hội nhập, việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT đã trở thành nhu cầu cấp thiết cho việc mở rộng thị trường, xây dựng, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động SHTT, tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều kế hoạch, quyết định, chỉ thị, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển TSTT. Trong đó, Chương trình phát triển TSTT, gọi tắt là Chương trình 68 giai đoạn 2016-2020 nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Qua 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 đã giúp nâng cao nhận thức về SHTT cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xác lập bảo hộ quyền SHTT, quản lý và phát triển TSTT cho nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhờ đó giúp cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có nhận thức về việc tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xác lập, bảo hộ, khai thác quyền SHTT.

Anh Nguyễn Xuân Thanh, chủ cơ sở bò một nắng Thanh Tuyền (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa), cho biết trước kia, cũng như nhiều người dân ở nông thôn, gia đình anh chỉ sản xuất nhỏ lẻ để bán cho người dân trong vùng. Khi cơ sở sản xuất Thanh Tuyền xây dựng được nhãn hiệu tốt và gầy dựng được uy tín cho sản phẩm, anh được mời tham gia các đợt tập huấn về SHTT và nhận thấy nếu không được bảo hộ sở hữu công nghiệp, sản phẩm rất dễ bị làm giả, nhái nhãn hiệu, gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất.

“Hiện, sản phẩm bò một nắng Thanh Tuyền đã vào hệ thống siêu thị Co.opmart cũng như các đại lý ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Để bảo vệ những thành quả xây dựng được trong một thời gian dài, hiện chúng tôi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên để được Nhà nước bảo hộ cho sản phẩm”, anh Thanh chia sẻ.

Đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế như: số lượng sáng chế được hỗ trợ bảo hộ, áp dụng còn hạn chế; việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi… Vì vậy, với việc ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030, hệ thống SHTT của Phú Yên được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nhằm triển khai có hiệu quả chiến lược SHTT, UBND tỉnh vừa phê duyệt chương trình phát triển TSTT tỉnh Phú Yên đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập quyền, khai thác và phát triển giá trị thương mại và bảo vệ tài sản sở hữu công nghiệp, đặc biệt là tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý dùng cho đặc sản của địa phương. Mục tiêu đến năm 2025 là 100% trường đại học, cao đẳng được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tăng số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT: 1 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 2 đơn kiểu dáng công nghiệp; 200 đơn nhãn hiệu; 1 đơn quyền tác giả và quyền liên quan; 1 đơn giống cây trồng.

Đến năm 2030, có tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP tỉnh Phú Yên được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ…

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh giao Sở KH-CN nghiên cứu, tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong nước về bảo hộ và phát triển TSTT; thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ; khảo sát, điều tra, xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm chỉ đạo và tổ chức triển khai chương trình.

Đồng thời phối hợp với Cục SHTT và các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn và mở lớp đào tạo chuyên sâu về thực thi quyền SHTT cho đội ngũ cán bộ, quản lý, thực thi quyền SHTT của tỉnh; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Chi cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan thực hiện các công việc thực thi bảo vệ quyền SHTT theo quy định của pháp luật

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng việc tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ yếu của tỉnh là việc làm hết sức cần thiết nhằm chủ động mở rộng thị trường, xây dựng, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập quyền; khai thác, phát triển giá trị thương mại và bảo vệ tài sản sở hữu công nghiệp, đặc biệt là tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý dùng cho đặc sản của địa phương.

Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 187 đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: 177 nhãn hiệu (trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 6 nhãn hiệu tập thể), 2 giải pháp hữu ích và 8 kiểu dáng công nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm đầu tiên của Phú Yên được công nhận chỉ dẫn địa lý là sò huyết Ô Loan. Việc nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền đã góp phần gia tăng nhiều lần giá trị sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Phú Yên.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254116/thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-va-phat-trien-ben-vung.html