Thúc đẩy sản xuất sản phẩm bao bì từ thiên nhiên

Thời gian gần đây, việc ra đời của các sản phẩm bao bì làm từ thiên nhiên thay thế đồ nhựa dùng một lần đã trở thành một làn sóng mới, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường của cả xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường , tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu rác thải nhựa nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế. Lượng tiêu thụ rác thải nhựa tại Việt Nam tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 1990 – 2018. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng 200% trong năm qua.

Trước những lo ngại về sự gia tăng của đồ nhựa dùng một lần, những phát minh vì môi trường ra đời đang được người tiêu dùng hưởng ứng như một trào lưu mới. Hàng loạt các sản phẩm tiện ích được thay thế như túi vải ecogreen được làm từ thân cây ngô tự nhiên, bình nước, ống hút inox, ống hút tre, cỏ, hộp đựng thức ăn từ bã mía…

 Các sản phẩm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường từ thổ cẩm và xơ mướp của Zero Waste Hanoi.

Các sản phẩm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường từ thổ cẩm và xơ mướp của Zero Waste Hanoi.

Đây có thể là các sản phẩm được tái sử dụng nhiều lần thay thế cho túi nylon chỉ sử dụng một lần hay các sản phẩm có nguyên liệu từ tự nhiên như tre, cỏ, giấy… dễ dàng phân hủy trong môi trường tự nhiên. Mặc dù chúng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được các sản phẩm được làm từ nhựa hay từ các nguyên liệu khác (ít thân thiện hơn) nhưng đây đã là một bước tiến rất tốt, thể hiện nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng.

Các sản phẩm này trong quá trình sản xuất không tiết ra các chất độc hóa học gây hại cho môi trường, ô nhiễm nguồn đất, nước… lại an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Trái ngược với thời gian phân hủy của đồ nhựa lên đến hàng trăm năm, rác thải tự nhiên phân hủy nhanh. Khi phân hủy, chúng tạo ra các chất hữu cơ có lợi cho đất, tái tạo thành một vòng tuần hoàn mới không gây hại cho môi trường.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam đang dần lan tỏa rộng hơn ý thức bảo vệ môi trường thông qua các thói quen tiêu dùng hằng ngày. Nhiều hệ thống siêu thị như Big C, Lotte, Co.op mart… đã sử dụng lá chuối bọc thực phẩm thay cho màng bọc nylon. Vinmart có chính sách trừ 1000 đồng vào hóa đơn khi khách hàng từ chối nhận túi nylon hay thu đổi pin cũ, giảm thiểu tác hại tới môi trường. Cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh các “sản phẩm xanh” cũng dần mọc lên, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán café sử dụng ống hút gạo, hộp đựng bã mía… đã tác động một phần không nhỏ tới ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

 Rau xanh được gói bằng lá chuối thay cho nylon tại Big C.

Rau xanh được gói bằng lá chuối thay cho nylon tại Big C.

Trao đổi với chúng tôi, Chị Nguyễn Ngọc Dung, Điều phối viên dự án Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của viện FES (Friedrich-Ebert-Stiftung) của Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Bất kể một sản phẩm nào khi ra đời đều tồn tại những hạn chế nhất định, có những mặt tốt và mặt chưa tốt. Nhưng chúng ta nên làm thế nào để hạn chế tối đa những cái chưa tốt nhất có thể. Vì bất kỳ một sản phẩm nào cũng làm tiêu tốn nhiên liệu và gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nên nếu có thể chúng ta hãy giảm thiểu việc tiêu thụ chúng, kể cả là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hoặc khi đã sở hữu một sản phẩm nào đó thì hãy sử dụng nó hết công suất, hết tuổi đời của sản phẩm ấy”.

Như vậy, với bất kỳ một loại sản phẩm nào, chúng ta cần nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng và tiêu dùng. Các sản phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên vẫn tồn tại những nguy hại đến môi trường nếu con người tiêu thụ một cách quá mức. Bảo vệ môi trường bắt nguồn từ chính nhận thức và hiểu biết của chúng ta.

Bài, ảnh: HOÀNG THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thuc-day-san-xuat-san-pham-bao-bi-tu-thien-nhien-597859