Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh phiên họp.

Cải cách thể chế và khơi thông các nguồn vốn đầu tư

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, dịch Covid-19 có thể làm phá sản mọi dự tính, tham vọng của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một quốc gia đang phát triển vượt lên đuổi kịp các nước phát triển nếu quốc gia đó có chiến lược khôn ngoan, phát huy được nội lực, trí tuệ toàn dân. Đại biểu cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng trực tiếp tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Để đạt được các cột mốc phát triển, cần giải quyết các bài toán về tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền an ninh, nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền của nhân dân và huy động sức dân.

“Giải quyết tốt 5 bài toán trên trong giai đoạn 2021-2025 thì chúng ta mới có thể tạo được động lực và nguồn lực cho giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Nhận định mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là đầy thách thức, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) kiến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao, trong khi vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư.

“Tôi đề nghị trong giai đoạn này phải làm cho được mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh tốt nhất ASEAN”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn trung ương cho các ngành, dự kiến phân bổ cho từng địa phương theo cơ cấu vùng miền, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án và mức vốn cụ thể cho từng dự án trong trung hạn.

Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp, địa phương

Cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào kết quả khống chế dịch Covid-19, nếu để dịch bùng phát trở lại thì nỗ lực của cả nước sẽ không còn ý nghĩa, đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh nói trên, không để tình trạng chủ quan trong cộng đồng. Đồng thời, cần bổ sung 3 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, gồm: Khi hết dịch, dịch diễn biến như hiện nay và dịch bùng phát lớn hơn để đưa ra các giải pháp phát triển thích hợp, chủ động với mọi tình huống.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ).

Dẫn thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy đến giữa tháng 9-2020, chỉ 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, đại biểu Cao Đình Thưởng nhận định, tiến độ thực hiện hỗ trợ còn chậm, chính sách hỗ trợ tín dụng còn nhiều bất cập, lúng túng. Do đó, đại biểu Cao Đình Thưởng và đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) đề nghị cần đánh giá kết quả gói hỗ trợ, chính sách để tiếp tục trợ giúp các đối tượng bị ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp và người lao động trực tiếp...

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) nhận định, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các địa phương giảm thu ngân sách khá lớn, đặc biệt là tại các địa phương được cân đối từ ngân sách trung ương, do đó, sẽ rất khó sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương và nguồn tài chính địa phương để thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Đại biểu đề nghị xem xét tính đặc thù của một số tỉnh, thành phố khó khăn để tạo điều kiện cho các địa phương này phát triển kinh tế - xã hội.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày mai (4-11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tham gia phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/982635/thuc-day-tang-truong-bao-dam-on-dinh-kinh-te-vi-mo