Thúc đẩy thanh toán điện tử lĩnh vực giao thông

Thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông được coi là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ giao thông. Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tích cực triển khai các nội dung trong nghị định nhằm cải thiện hệ thống thanh toán giao thông. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.

Tạo thuận lợi cho người dân

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Theo dự thảo, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định...

Theo Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng: hiện, việc thu phí không dừng đã được triển khai trên 5,6 triệu phương tiện, chiếm 97% lượng phương tiện lưu thông trên đường bộ. Đây là bước đầu trong việc triển khai thu phí không dừng. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 1.10.2024, đây là bước tiến mới trong lĩnh vực thu phí điện tử. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tích cực triển khai các nội dung trong nghị định nhằm cải thiện hệ thống thanh toán giao thông. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.

 Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng phát biểu tại Tọa đàm "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông". Ảnh: Khánh Duy

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng phát biểu tại Tọa đàm "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông". Ảnh: Khánh Duy

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam Tô Nam Toàn chia sẻ: việc triển khai chuyển đổi tài khoản thu phí sang "tài khoản giao thông" (TKGT) kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi đưa ra lộ trình, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để bảo đảm kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hai đơn vị này sẽ phải ký hợp đồng dịch vụ theo quy định pháp luật ngân hàng với những đàm phán cụ thể.

Theo ông Tô Nam Toàn, hiện nay hai nhà cung cấp dịch vụ đang triển khai đã có sẵn dịch vụ này. Đơn cử, VETC đã có thu phí VETC và có gần một năm chuyển đổi từ tài khoản thu phí hiện nay sang thu phí VETC. Hiện, gần như tất cả các chủ phương tiện sử dụng VETC hiện nay đều đã triển khai kết nối. Đối với VDTC, đã kết nối ví Viettel Pay với tài khoản thu phí. Trước mắt, người dùng VETC mới chọn được một phương tiện thanh toán là ví VETC, người dùng VDTC mới chỉ chọn được một phương tiện thanh toán là Viettel Pay.

Tuy nhiên, trong tương lai, các đơn vị cung cấp khác như VISA có thể ký hợp đồng với VETC, VDTC để kết nối phương tiện thanh toán và chủ phương tiện có thể lựa chọn ví VISA để kết nối thanh toán. Mặt khác, chủ phương tiện không cần đến nhà cung cấp dịch vụ mà chỉ cần thông qua các ứng dụng trên điện thoại để chuyển đổi tài khoản thu phí sang TKGT kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán thông minh

Theo Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng Công nghệ Thanh toán, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Thanh Tùng, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro. Song, trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông.

Theo ông Tùng, khi phát triển phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, nếu không tối ưu hóa hình thức thẻ vé, hạn chế việc người dùng phải xếp hàng chờ đợi thẻ vé thì khó có thể thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Thực tế, tại Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phát triển thẻ vé như các phương tiện chưa liên thông; không tối ưu được nguồn lực xã hội; chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung; người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ; để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán.

Để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, ông Tùng đề xuất mỗi thành phố, mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro, ít nhất là một thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé. Bên cạnh đó, nên hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông.

Đại diện Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho rằng: tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé nên dựa trên tiêu chuẩn mở, không có giới hạn về đơn vị cung cấp thẻ, thiết bị đầu đọc và nên được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng lại các sản phẩm thẻ, đầu đọc đã có sẵn thị trường, rút ngắn thời gian triển khai.

Nêu giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Anh - Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho biết, NHNN sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng… Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, ví điện tử…

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-day-thanh-toan-dien-tu-linh-vuc-giao-thong-post393027.html