Thúc đẩy thương mại hàng hóa khu vực Mekong

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, Campuchia và Lào tăng thêm 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa của cả ba quốc gia cộng lại có thể tăng thêm tới hơn 58 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Theo báo cáo, tăng trưởng thương mại ở khu vực Mekong không đồng đều, các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu vượt xa các chuỗi cung ứng trong nước. Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước và con số này là dưới 3% ở Campuchia và Lào. Theo các nhà xuất nhập khẩu, yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là một trong những lý do chính khiến họ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Theo đó, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp tổng giá trị thương mại hàng hóa của Việt Nam, Campuchia và Lào tăng thêm tới 9%, tương đương với hơn 58 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

IFC và WTO cũng cho rằng, cần phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận. Để làm được điều này, cần hoàn thiện các khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thuc-day-thuong-mai-hang-hoa-khu-vuc-mekong-221221.htm