Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống

Ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, chủ động phối hợp trong tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các đề tài nghiên cứu khoa học có triển vọng ứng dụng vào các lĩnh vực: nông - lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, y - dược... đã phát huy hiệu quả tích cực.

Giai đoạn 2022 - 2024, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao phát triển công nghệ đạt được nhiều kết quả quan trọng, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và tạo động lực để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mạnh dạn tham gia thực hiện các hoạt động KH&CN trong sản xuất và đời sống, qua đó từng bước tăng năng suất sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Sở KH&CN tham mưu triển khai thực hiện 5 dự án (DA) cấp quốc gia, 59 đề tài, DA cấp bộ và cấp tỉnh, 7 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Các nhiệm vụ cơ bản gắn liền với thực tiễn có tính cấp thiết, phù hợp với đặc thù địa phương, từng lĩnh vực, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5 DA KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh, gồm: ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao, quy mô hàng hóa trên đất dốc; DA xây dựng mô hình ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu có sẵn tại tỉnh; DA xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ lạc vùng miền núi; DA ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất một số cây dược liệu quý tại tỉnh (Lan thạch hộc tía, Lan hoàng thảo đùi gà); DA ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất dong riềng và chế biến dong riềng. Đến nay, có 2 DA được nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá xếp loại đạt, còn 3 DA đang triển khai, cơ bản đều có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ chuyển giao các quy trình công nghệ, giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình/đề án quốc gia được thực hiện thành công từ những năm trước tiếp tục được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Từ năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện thành công đề tài về nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc, làm cơ sở để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho gạo nếp đặc sản của tỉnh. Tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, DA “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 đã được áp dụng tại Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm. DA xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu nhân giống, sản xuất, đến xây dựng thương hiệu, thu mua và bao tiêu sản phẩm của người dân tại vùng triển khai DA với tổng sản lượng gần 80 tấn thóc khô/năm. Sản phẩm gạo nếp hương Bảo Lạc của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao cấp tỉnh; tạo kênh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. DA tạo vùng sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân huyện Bảo Lạc.

Dự án “Cải tạo và phát triển đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Dự án “Cải tạo và phát triển đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực đang được nghiên cứu và áp dụng nhiều tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành, trong đó tập trung vào các nội dung về nhân giống, bảo tồn, phục tráng các giống cây trồng, vật nuôi địa phương, nghiên cứu, phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, xây dựng các mô hình nuôi trồng thương phẩm… DA “Xây dựng mô hình thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán gắn với chế biến một số sản phẩm chè xanh chất lượng cao tạo sản phẩm OCOP tại xã Độc Lập (Quảng Hòa)” tuyển chọn được 150 cây chè ưu tú để khai thác hom giống phục vụ nhân giống; xây dựng mô hình vườn ươm nhân giống chè quy mô 100.000 bầu chè được nhân giống từ nguồn hom của cây chè ưu tú được tuyển chọn tại xã Độc Lập, cây giống đủ tiêu chuẩn xuất đạt tỷ lệ gần 90%; thâm canh cải tạo thành công 10 ha chè theo hướng hữu cơ. Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Đoỏng Pán Triệu Khánh Hoàng chia sẻ: Từ khi triển khai DA, được tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, người dân có thay đổi nhận thức, kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè; đối với hộ thành viên hợp tác xã, trồng chè đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, việc ứng dụng KH&CN xây dựng quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm của địa phương. Trong đó, đề tài "Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ cây hồi tại huyện Thạch An” xây dựng được mô hình chế biến các sản phẩm từ cây hồi của huyện (tinh dầu hồi, túi hoa quả hồi sấy khô, bột gia vị thịt nướng, xà phòng làm từ hoa hồi...), các sản phẩm được kiểm nghiệm chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã và đang triển khai 16 nhiệm vụ, tập trung vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của địa phương, phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu và chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản đặc sản… Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng” là cơ sở khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách dân tộc miền núi đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Lô Lô đen, tạo điều kiện để người Lô Lô đen phát triển bền vững trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hóa - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng” cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn khai thác ứng dụng tri thức bản địa của các tộc người cho cơ quan chức năng hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển du lịch phục vụ phát triển bền vững tỉnh.

Đối với lĩnh vực khoa học y - dược đã và đang thực hiện 7 nhiệm vụ, tập trung ứng dụng KH&CN nghiên cứu bào chế các loại thuốc từ các loại dược liệu quý của địa phương, xây dựng các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân từ cấp cơ sở, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số. Có 9 DA thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang triển khai, tập trung giải quyết các nội dung về tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho nhãn hiệu tập thể.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuc-day-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-va-doi-song-3172680.html