Thúc đẩy xu hướng phát triển hợp tác Mekong - Lan Thương

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Mekong - Lan Thương, Việt Nam mới đây đã đề xuất hợp tác mở rộng thị trường, củng cố chuỗi cung ứng bền vững, kết nối hạ tầng giao thông. Đồng thời, 6 quốc gia cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Chiềng Mai, Thái Lan. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Chiềng Mai, Thái Lan. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Dự báo phát triển tích cực

Vừa qua, tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9. Hội nghị có chủ đề “Hướng tới tương lai an toàn và bền vững hơn cho khu vực Mekong - Lan Thương”. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước bày tỏ sự hài lòng trước những tiến bộ đáng ghi nhận trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương. Việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương đạt những thành tựu mang lại lợi ích rõ rệt trên mọi lĩnh vực. Các bộ trưởng khẳng định, hợp tác Mekong - Lan Thương trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng khu vực Mekong hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Các nước hoan nghênh Thái Lan và Trung Quốc, với vai trò đồng Chủ tịch cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương, đã thúc đẩy tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 9 nhằm đánh giá việc triển khai những định hướng, được các nhà lãnh đạo 6 nước thông qua, tại Hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương tháng 12/2023, đồng thời thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027.

Cũng tại hội nghị, các quốc gia hoan nghênh kết quả ấn tượng của hợp tác Mekong - Lan Thương, với gần 100 dự án do Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương tài trợ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, địa phương và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, phát triển xanh, y tế, xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ.

Đặc biệt, các quốc gia thành viên đã đề xuất nhiều ý tưởng mới nhằm nắm bắt các cơ hội mở ra từ những xu hướng phát triển mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các tiến bộ khoa học, công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ các nhu cầu phát triển.

Các quốc gia cũng nhất trí đẩy mạnh kết nối thông qua phát triển hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không, bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định, thúc đẩy nông nghiệp thông minh và bền vững, tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, giảm ô nhiễm không khí và phòng chống tội phạm xuyên biên giới.

Một trong những nội dung quan trọng tại hội nghị là quản lý bền vững nguồn nước. Nội dung này tiếp tục được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã dành nhiều thời gian trao đổi, đi tới khẳng định chung về nỗ lực triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027 và ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương lần thứ 2 trong năm 2025.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã có bài phát biểu quan trọng. Đáng chú ý trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp hiệu quả đối với hợp tác Mekong - Lan Thương. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng nhấn mạnh 5 kết quả và đóng góp nổi bật của hợp tác Mekong - Lan Thương trong thời gian qua, gồm: Cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn; hợp tác hiệu quả và thực chất hơn; lĩnh vực hợp tác mở rộng hơn; sự tham gia sâu rộng hơn của các thành phần xã hội; mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân.

Đề xuất để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã đưa ra một số đề xuất quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đã được các nhà lãnh đạo Mekong - Lan Thương thông qua.

Trước hết, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề xuất, một khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển phải dựa trên cơ sở bảo đảm thương mại, đầu tư và kết nối thông suốt giữa các nước thành viên. Việt Nam đề xuất Mekong - Lan Thương hợp tác mở rộng thị trường, củng cố chuỗi cung ứng bền vững, kết nối hạ tầng giao thông. Mekong - Lan Thương cần ưu tiên nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua triển khai hiệu quả Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương. Tiếp đó, để xây dựng một khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, các nước Mekong - Lan Thương cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.

Một đoạn sông Mekong. Ảnh: luxurycruisemekong.com

Một đoạn sông Mekong. Ảnh: luxurycruisemekong.com

Việt Nam ủng hộ Sáng kiến về đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Mekong - Lan Thương về nguồn nước và đề xuất các nước tăng cường hợp tác trong quản lý lũ lụt và hạn hán, chia sẻ dữ liệu thủy văn, tiến hành các nghiên cứu chung, đồng thời xem xét tổ chức Ngày nước Mekong - Lan Thương nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương. Đồng thời, hợp tác Mekong - Lan Thương cần tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, sự gắn bó sâu sắc giữa nhân dân 6 nước, cũng như tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. Đây cần là nền tảng cho sự phát triển của Mekong - Lan Thương giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương vào năm 2025, Việt Nam đề xuất tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên, kết nối địa phương, doanh nghiệp, tìm kiếm những ý tưởng hợp tác mới từ thế hệ trẻ của 6 nước. Các đề xuất và đóng góp của Việt Nam đã được các nước ghi nhận, đánh giá cao và đưa vào các văn kiện về định hướng hợp tác Mekong - Lan Thương trong thời gian tới.

Hội nghị đã ra Thông cáo báo chí chung và thông qua 3 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước, xây dựng môi trường không khí sạch và phòng chống tội phạm xuyên biên giới. Cùng với đó, các nước nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong năm 2025 nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Mekong - Lan Thương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng, bền vững của khu vực.

Khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương được thành lập ngày 23/3/2016 với 6 nước thành viên. Khuôn khổ hợp tác tiểu vùng này được thiết lập và hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, cởi mở, hội nhập, bình đẳng, tham vấn và phối hợp, tình nguyện đóng góp và lợi ích chung, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhằm thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hòa bình và thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-day-xu-huong-phat-trien-hop-tac-mekong-lan-thuong-post479884.html