Thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng vụ đông

Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông sinh trưởng và phát triển đạt năng suất, sản lượng cao.

Người dân xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) gieo trồng cây màu vụ đông.

Người dân xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) gieo trồng cây màu vụ đông.

Vụ đông năm 2023-2024, do ảnh hưởng của bão số 3, bão số 4 và mưa, lũ nên các loại cây trồng vụ đông ưa ấm như ngô lấy hạt, đậu tương, ớt... cơ bản đã hết khung thời vụ gieo trồng tốt nhất. Mặc dù gặp khó khăn trong giai đoạn đầu sản xuất vụ đông, nhưng cũng là cơ hội để các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích các loại cây rau màu ngắn ngày đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp do mưa bão vừa qua. Do đặc thù đất sản xuất vụ đông chủ yếu là đất lúa sau thu hoạch vụ mùa nên đất không được nghỉ, các chất dinh dưỡng trong đất giảm sút ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Vì vậy ngay từ đầu vụ, các đơn vị, HTX cung ứng giống, phân bón đã chủ động kế hoạch cung cấp vật tư và dịch vụ cho sản xuất kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo số lượng cho người dân. Đồng thời, làm tốt công tác tiêu úng đầu vụ, chống hạn giữa và cuối vụ; đảm bảo 100% diện tích cây trồng trên đất 2 lúa được tưới tiêu chủ động, nhất là việc rút kiệt nước nhanh ở giai đoạn đầu vụ khi xảy ra mưa lớn.

Tính đến ngày 16/10, toàn tỉnh đã gieo trồng được 27.453/47.000ha cây trồng vụ đông (đạt 58,4%). Trong đó, ngô đã gieo trồng là 9.255,5ha; lạc 1.100,7ha; rau đậu 13.235,4ha; khoai lang 909,5ha; cây trồng khác 2.951,8ha... Hiện nay, cây ngô vụ đông đang ở giai đoạn 4 - 6 lá, rau đậu các loại tiếp tục gối lứa, tăng vụ... Người dân ở các địa phương đang tích cực gieo trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh. Hiện tại, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc... đang tích cực chuẩn bị làm đất, xuống giống cây khoai tây vụ đông. Do khung thời vụ khoai vụ đông thời vụ tập trung từ 25/10 - 20/11, đối với giống khoai tây phục vụ chế biến trên chân đất màu thời vụ tốt nhất 5/11- 15/11 để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ.

Theo dự báo từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp, không khí lạnh có thể xuất hiện sớm, mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của một số loại cây trồng. Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức thăm đồng điều tra để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chủ động trong công tác phòng trừ. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trịnh Văn Chất cho biết: "Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân khẩn trương ra đồng tập trung chăm sóc, chắm dặm đảm bảo mật độ cho những diện tích cây trồng bị chết, mất khoảng do ngập úng. Đồng thời, tiến hành xáo xới, phá váng khi đất khô và phun các loại chế phẩm qua lá, kích thích ra rễ để hỗ trợ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, bà con tập trung vun gốc cho cây trồng để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân dễ tiêu, NPK. Trong vụ đông người dân cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh trên cây trồng, nhất là sâu keo mùa thu, bệnh huyết dụ trên ngô; bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ trên bí, ớt, dưa chuột... Ngoài ra trên tất cả các loại cây trồng vụ đông người dân cần phải phòng trừ chuột gây hại. Cùng với đó, người dân tiếp tục gieo trồng diện tích cây màu vụ đông trong khung thời vụ nhằm đạt mục tiêu cả về diện tích, năng suất, sản lượng đề ra trong vụ đông 2024-2025".

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuc-hien-cac-bien-phap-cham-soc-cay-trong-vu-dong-228207.htm