Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư: Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) - (gọi tắt là Chỉ thị số 40). Sau gần 10 năm thực hiện, hoạt động tín dụng chính sách trong tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ nét, hàng trăm nghìn hộ dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi, trong đó nhiều trường hợp vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng lòng thực hiện

Chỉ thị số 40 được ban hành là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

 Hộ ông Tống Văn Liên, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam) được vay vốn tín dụng chính sách để nuôi chim bồ câu, tăng thu nhập.

Hộ ông Tống Văn Liên, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam) được vay vốn tín dụng chính sách để nuôi chim bồ câu, tăng thu nhập.

Xác định rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, thành ủy, thị ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc, Ủy ban MTTQ các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chỉ thị đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và người lao động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1343-CV/TU ngày 11/9/2015 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, trong đó nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện chính sách tín dụng.

Với đặc thù là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số cao, những năm qua, Huyện ủy Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đồng chí Vương Tuấn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy cho biết, Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội coi công tác tín dụng CSXH là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong kế hoạch, phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện cân đối, bố trí ngân sách ủy thác, tạo điều kiện cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tăng nguồn lực giải ngân vốn cho hộ chính sách vay. Ban Quản trị Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện phân công thành viên tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn. Định kỳ hằng năm, địa phương tổ chức sơ kết biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện chương trình.

Tại thị xã Việt Yên và các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam..., Ban Quản trị Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện chú trọng kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện giải ngân vốn vay, qua đó kịp thời phát hiện sai sót, hạn chế rủi ro.

Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tháng 7 vừa qua, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, các chương trình tín dụng chính sách được xem là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài trong thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị này, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời CSXH, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Gần 82 nghìn hộ thoát nghèo

Với sự nỗ lực trên, hoạt động tín dụng CSXH trong tỉnh đã có chuyển biến rõ nét. Tổng vốn tín dụng CSXH tăng hằng năm, chất lượng tín dụng được nâng lên. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt trách nhiệm ủy thác, bảo đảm việc bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ, đúng đối tượng.

Vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 82 nghìn hộ dân thoát nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 41 nghìn lao động; gần 6,4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện đơn vị đang thực hiện khoảng 20 chương trình tín dụng. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Chi nhánh tham gia quản lý 7.295 tỷ đồng, tăng 4.592 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Vốn tín dụng chính sách giúp hơn 316 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hằng năm, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP đều bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng, vốn bố trí năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, tổng vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng đạt hơn 350 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so với năm 2014.

Theo ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 82 nghìn hộ dân thoát nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 41 nghìn lao động; gần 6,4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 10,44% năm 2014 xuống còn 2,63% năm 2023…

Gia đình ông Lâm Văn Vạn, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) là điển hình. Nhiều năm trước gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Trong lúc khó khăn, năm 2019, gia đình ông được vay 100 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để tạo việc làm trong thời gian 5 năm. Có vốn, ông thuê máy móc, nhân công và mua phân bón cải tạo gần 2 ha đồi rừng trồng dứa, bạch đàn. Sau hơn một năm dứa cho thu hoạch, sản lượng đạt 40 tấn, gia đình ông thu về 280 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Cứ như vậy, sau nhiều năm trồng dứa, bạch đàn, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường giải pháp huy động nguồn lực cho tín dụng CSXH; quan tâm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng; huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn theo quy định, cho vay đúng đối tượng. Các sở, ban, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ lồng ghép cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khi xây dựng các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-chi-thi-so-40-cua-ban-bi-thu-phat-huy-hieu-qua-von-tin-dung-chinh-sach-110019.bbg