Thực hiện chữ Nhẫn để tiêu nghiệp giải oan

Nghịch cảnh khiến con người ta không đạt được những điều mình mong muốn khiến trong tâm tức tối, uất ức, hận thù. Về bản chất, sự tức giận đều từ trong tâm mỗi người mà ra, thế nên nếu muốn gạt bỏ nó thì cũng phải từ trong tâm mà đi. Trong trường hợp này, phải cố gắng nhẫn nhục vượt qua nghịch cảnh. Thực hiện chữ Nhẫn cũng chính là tiêu nghiệp giải oan.

Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Trên đời này vạn sự đều do duyên định, trạng thái nghịch cảnh cũng là do duyên nghiệp tạo ra. Theo giáo lý nhà Phật, thực hiện chữ Nhẫn có thể giúp người ta tiêu nghiệp giải oan.

Ngẫm về luật nhân- quả: Quá trình nhẫn nhục chính là quá trình tiêu nghiệp giải oan. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự khó chịu trong lòng như thế nào khi tức giận. Người khác cũng giống như vậy. Một người nào đó nổi giận công kích bạn, thì chính là họ đang phải chịu đau khổ. Bạn nên suy nghĩ rằng, trước đây mình tạo ra nghiệp nên nay người ta mới đến tức giận với mình.

Thực chất khi anh ta tức giận thì anh ta đã phải chịu sự trừng phạt vì sự tức giận ấy rồi. Hơn nữa, sau này anh ta vẫn phải chịu tiếp nghiệp báo. Mình là cái duyên để người ta tức giận cho nên thực chất là mình hại người ta chứ không phải người ta hại mình. Khi đối phương tức giận với mình, là đang giúp mình tiêu diệt những nghiệp ác trước đây và tự gieo cái nghiệp ác cho chính anh ta.

Vì vậy, tại sao lại phải tức giận với anh ta, cần phải cảm ơn anh ta mới đúng, vì đã giúp mình tu chữ “Nhẫn”. Khi chuẩn bị có cơn tức giận, bạn hãy thử mỉm cười và suy nghĩ đến điều này. Nếu bạn phản ứng lại thì cái sai của bạn càng lớn hơn, nghiệp mà bạn gây ra cũng sẽ chất chồng, sau này bạn sẽ vẫn tiếp tục chịu khổ.

Thể hiện thiện ý: Cho dù sự thể hiện này có thể là miễn cưỡng thì tức giận cũng được hóa giải, tiêu tán đi. Ví dụ, bạn và người thân như anh chị em trong nhà có xích mích hiểu lầm, bạn có thể thử cách này. Khi bạn nhận thấy họ thích thứ gì đó, bạn có thể tặng cho họ. Về mặt tâm lí, lần đầu có thể họ sẽ không thấy thoải mái lắm, thấy bạn thật kì lạ, thậm chí tiếp tục hiểu lầm bạn đang có ý gì đó mờ ám. Nhưng bạn đừng ngại, hãy suy nghĩ rằng mình đang thể hiện thiện ý nên như vậy. Bạn tiếp tục tặng lần thứ 2, lần thứ 3…bạn sẽ thấy có sự cải thiện rõ rệt. Người khác cho tặng chúng ta cũng vậy, trong lòng phải thể hiện sự vui vẻ và thái độ cảm ơn.

Khi đối phương tức giận với mình, trước hết phải giải tỏa được sự tức giận của đối phương bằng cách mỉm cười để thể hiện thiện ý. Nếu là bạn sai thì cần phải nhận lỗi, nếu trường hợp bạn đúng thì mỉm cười cũng là cách điều tiết cảm xúc rất tốt, đó là bạn đã làm chủ bản thân, vượt qua chính mình. Mỗi người khi muốn an lạc tự tại thì điều quan trọng là lòng nhân từ yêu thương mọi người. Giáo lý này của nhà Phật giống với văn hóa tăng cường nói “cảm ơn” và “xin lỗi” trong văn hóa giao tiếp hiện đại. Đối xử nhân văn, ân cần với người đối diện theo cách mình mong muốn được đối xử như thế nào thì hãy thể hiện với người khác như thế, khi mình gieo đi yêu thương thì mới mong nhận lại được yêu thương.

Nhưng muốn làm được như vậy thì trước hết phải đối xử tốt với chính mình, đó chính là làm sạch sự tức giận trong nội tâm, tức các cảm giác tự trách, đố kị, trầm cảm, đau thương. Muốn làm sạch được nó thì lại phải tự quan sát nội tâm của mình, sau đó áp dụng các phương pháp trên để hóa giải.

Trên thực tế, những cách nói trên thực hiện chữ Nhẫn nghe rành mạch, khúc triết nhưng thực hiện được là rất khó. Điều quan trọng là phải ta phải có tấm lòng rộng lượng, bao dung, từ bi, hỉ xả theo đạo lý nhà Phật. Phải có sự tự nhận thức và thay đổi về quan niệm, muốn tự hoàn thiện bản thân, thực sự muốn thoát khỏi sự dày vò của tức giận và thù hận, nuôi dưỡng lòng nhân từ mới có thể từng bước thực hiện được.

Vô Ưu (biên soạn)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-lo/thuc-hien-chu-nhan-de-tieu-nghiep-giai-oan-507999.html