Thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ: Còn nhiều trở ngại

Đã qua hơn nửa chặng đường, song Đề án 'Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020' vẫn còn khá ngổn ngang. Nếu các địa phương không thẳng thắn nhìn nhận những trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện và có biện pháp giải quyết kịp thời thì rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Học sinh tiểu học chưa được học ngoại ngữ đủ thời lượng quy định. Ảnh: Ngọc Thạch

Học sinh tiểu học chưa được học ngoại ngữ đủ thời lượng quy định. Ảnh: Ngọc Thạch

Giáo viên thiếu và yếu

Theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" (Đề án ngoại ngữ 2020), năm học 2015-2016 có khoảng 70% học sinh (HS) phổ thông được học tiếng Anh hệ 10 năm theo hình thức bắt buộc bắt đầu từ lớp 3. Để đạt mục tiêu ấy, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời lượng bắt buộc của HS tiểu học đối với môn tiếng Anh phải bảo đảm 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết năm học 2015-2016 mới có khoảng 49% số lượng HS trong tổng số HS lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh trên cả nước học ngoại ngữ này với thời lượng 2 tiết/tuần. Nguyên nhân được xác định là vì không có đủ giáo viên (GV). Ước tính sơ bộ, để giảng dạy tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần theo quy định thì các trường tiểu học trên cả nước phải bổ sung khoảng 7.700 GV. Cũng vì thiếu GV mà cho đến nay, cả nước vẫn còn hơn 700 nghìn HS lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh. Khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu hướng tới cũng phản ánh những thiệt thòi đối với HS. Hà Nội - một trong số những thành phố có điều kiện thuận lợi nhất cả nước, cũng đang đối mặt với thách thức về việc thiếu GV để đảm đương việc dạy học đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần ở cấp tiểu học. Tính đến năm học 2015-2016, có khoảng 80% số trường tiểu học trên địa bàn thành phố dạy đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần cho HS. Số trường gặp khó chủ yếu tập trung ở khu vực các huyện - những nơi còn hạn chế về điều kiện phát triển, cũng chưa thu hút đủ số GV cần thiết.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng đội ngũ GV dạy tiếng Anh tại các nhà trường đến thời điểm này cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Tính đến cuối năm học 2015-2016, tỷ lệ GV tiếng Anh tiểu học của cả nước đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung ngôn ngữ 6 bậc của Bộ GD-ĐT ban hành mới chiếm khoảng 31%. Ở cấp THCS, tỷ lệ GV tiếng Anh đạt chuẩn là 36%, còn ở cấp THPT, tỷ lệ này mới đạt 26%. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ GV của cả ba cấp học khi đứng trước yêu cầu ngày càng cao về việc dạy học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập.

Hà Nội phấn đấu tới năm 2020 triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm cho 100% HS lớp 3, lớp 6 và lớp 10. Tỷ lệ này của Hà Nội hiện nay là 90% số trường tiểu học, 85% số trường THCS và 100% số trường THPT, song ở mỗi trường chỉ có khoảng 1-2 lớp thí điểm.

- Năm 2018, 100% GV tiếng Anh đứng lớp các cấp học được đào tạo lại và đạt yêu cầu theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Tỷ lệ này của Hà Nội hiện là hơn 70%.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không đạt chuẩn

Thực tế về việc triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 đang đặt ra cho những người có trách nhiệm rất nhiều việc phải làm. Tập trung xây dựng đội ngũ GV tiếng Anh đạt chuẩn là một trong 8 nội dung quan trọng mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập tại hội nghị triển khai Đề án trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn tới Đề án tập trung làm tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh theo hướng thiếu phải đào tạo thêm, yếu thì bồi dưỡng để đạt chuẩn. Để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ngoại ngữ, Bộ trưởng yêu cầu cần quyết liệt hơn trong quá trình triển khai phần việc này, thậm chí đối với những GV quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc có thể phải chuyển công tác, tránh tình trạng đứng lớp mà không đạt chuẩn.

So với các địa phương khác, Hà Nội đang có sự chênh lệch khá lớn về trình độ đội ngũ GV tiếng Anh khi có tỷ lệ GV đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ ở cả ba cấp học đều đạt trên 70% - cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, đó vẫn là một khó khăn không nhỏ. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 Đề án phải triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm đối với 100% HS lớp 3; bảo đảm “đầu ra” theo mục tiêu là HS tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ A1, HS tốt nghiệp THCS đạt trình độ A2 và HS tốt nghiệp THPT đạt trình độ B1 theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc của Việt Nam do Bộ GD-ĐT ban hành.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, dù có điều kiện thuận lợi nhưng thách thức lớn nhất với Hà Nội trong quá trình triển khai Đề án vẫn là chất lượng đội ngũ GV. Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm cuối của Đề án, mà còn là nhiệm vụ lâu dài của toàn ngành. Hai nội dung được đặc biệt coi trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV sẽ tiếp tục được triển khai là nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Quá trình bồi dưỡng cũng sẽ tập trung nâng cao phương pháp giảng dạy cho GV ở cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, trong đó 2 kỹ năng nghe - nói được đặc biệt lưu tâm hơn bởi đây là điều còn yếu trong hầu hết HS hiện nay.

Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, thời gian tới Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng giờ dạy tiếng Anh nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, thực chất trong đánh giá GV. Việc đánh giá còn được thực hiện trên “sản phẩm” là kết quả học tập của HS. Cụ thể, trong năm học 2016-2017, Hà Nội sẽ kiểm tra đánh giá độc lập 20% số HS các lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12). Kết quả đánh giá là căn cứ để các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả, kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện Đề án với mục tiêu trang bị một công cụ hữu ích cho thế hệ chủ nhân tương lai.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/848973/thuc-hien-de-an-day-hoc-ngoai-ngu-con-nhieu-tro-ngai-